Thí điểm Tổ công nghệ số cộng đồng

09:46, 28/04/2022

UBND tỉnh Thái Nguyên vừa có kế hoạch thử nghiệm mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng nhằm đẩy mạnh lộ trình phổ quát toàn dân tham gia chuyển đổi số. Mặc dù mới là thử nghiệm, nhưng theo cơ quan chuyên môn, mô hình này khi triển khai thực tế nhiều khả năng cho kết quả rất cao, giúp người dân trong tỉnh hiểu và cùng thực hiện các mục tiêu lớn về chuyển đổi số.

Theo kế hoạch, trong tháng 5/2022 tỉnh sẽ thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng tại tất cả các thôn, bản, xóm, tổ dân phố. Thành phần mỗi tổ sẽ gồm từ 2 đến 5 người, nòng cốt là lãnh đạo thôn, bản, xóm, tổ dân phố, chi đoàn thanh niên, chi hội phụ nữ và các tình nguyện viên tại các khu dân cư.

Yêu cầu với các thành viên tham gia là phải nhiệt tình, có kỹ năng sử dụng nền tảng số, công nghệ số, có khả năng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số.

Sau khi thành lập, trong khoảng 6 tháng đầu, các tổ sẽ tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các nền tảng số, sau đó đánh giá kết quả thử nghiệm và quyết định sẽ tiếp tục duy trì và phát triển hay không.

Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ được bồi dưỡng, tập huấn lý thuyết về chuyển đổi số, các ứng dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số. Việc bồi dưỡng sẽ thường xuyên, nhiều lần để giúp các tổ viên cập nhật kiến thức mới, có khả năng giải đáp thắc mắc để phục vụ công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân.

Sở Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ huy động các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin vào cuộc hỗ trợ kết nối chung mạng lưới công nghệ số cộng đồng toàn quốc.

Sau khi tiếp nhận đầy đủ kiến thức về chuyển đổi số, tổ công nghệ số cộng đồng sẽ tuyên truyền đến từng hộ gia đình về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số. Có trách nhiệm cùng cả hệ thống chính trị xây dựng thành công 3 trụ cột chính của chuyển đổi số là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Cụ thể, về chính quyền số, tổ có nhiệm vụ hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số. Về kinh tế số, tổ sẽ hướng dẫn người dân, các hộ kinh doanh, sản xuất nhỏ và vừa ở địa phương thực hiện những bước cài đặt ứng dụng nền tảng số để chuyển hình thức tiêu thụ sản phẩm từ giao dịch truyền thống sang các sàn thương mại điện tử. Đối với xã hội số, tổ hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ những nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch…

Tỉnh yêu cầu, mỗi thôn, xóm, bản, tổ dân phố tuỳ theo đặc thù, có ít nhất 1 tổ công nghệ số cộng đồng. Chủ trương của tỉnh là huy động sức mạnh toàn dân để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có 70% số dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh biết và có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến, các dịch vụ thiết yếu khác.