Ứng dụng dữ liệu điện tử về dân cư: Hạ tầng công nghệ thông tin quyết định

10:50, 20/05/2022

Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án số 06) là việc làm quan trọng nhằm đặt một phần nền móng để xây dựng Chính phủ điện tử, xã hội số. Cùng với cả nước, Thái Nguyên đã khẩn trương vào cuộc, nỗ lực thực hiện và có được những kết quả bước đầu, tuy nhiên còn không ít vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ.

Để thực hiện Đề án 06, UBND tỉnh đã kiện toàn Tổ công tác gồm 25 thành viên do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, ban hành quy chế làm việc; đồng thời thành lập tổ công tác tại 9/9 đơn vị cấp huyện, 178/178 đơn vị cấp xã và 2.245/2.245 tổ công tác tại các xóm, tổ dân phố.

Là cơ quan thường trực của Tổ công tác, lực lượng Công an đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện chi tiết nội dung Đề án 06 đến công an cấp xã.

Các sở, ngành, địa phương cũng tăng cường bố trí nhân lực và giải pháp kỹ thuật để tiếp nhận, xử lý và trả kết quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đối với Công an tỉnh, từ tháng 7-2021 đến nay, Cổng dịch vụ công của Ngành đã tiếp nhận 1.990 hồ sơ về cư trú; trả kết quả 1.911 hồ sơ; cấp gần 19.000 tài khoản định danh điện tử và trên 958.000 căn cước công dân gắn chíp.

Số lượng căn cước công dân được đồng bộ với bảo hiểm y tế còn hiệu lực là trên 414.000 thẻ. Tính đến ngày 9-5, dữ liệu tiêm chủng được cập nhật trên hệ thống tiêm chủng COVID-19 là trên 2,699 mũi tiêm, đạt 96,5%. Sở Y tế ký xác nhận hộ chiếu vắc-xin cho trên 831.000 người.

Ông Đào Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Với nhiệm vụ được phân công, Sở Thông tin và Truyền thông đã và đang tập trung nâng cấp hệ thống máy chủ, kiểm tra và vá lỗi để đảm bảo an toàn thông tin về cơ sở dữ liệu dân cư ở mức độ cao nhất - mức độ 5. Sở chủ trì đăng ký thử nghiệm kết nối và sử dụng 3 dịch vụ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Xác định số định danh cá nhân và chứng minh nhân dân phục vụ việc xác thực thông tin cá nhân trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; xác thực thông tin hộ gia đình; tra cứu thông tin công dân. Hiện nay, hệ thống đã thông về kỹ thuật trên môi trường thử nghiệm kết nối.

Các sở, ngành khác như: Giao thông - Vận tải, Điện lực Thái Nguyên, Ngân hàng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… cũng đều tích cực triển khai và có được những kết quả bước đầu.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Điều này được đại diện các sở, ngành trao đổi, thảo luận và đề xuất giải pháp tại Hội nghị rà soát tiến độ triển khai thực hiện Đề án số 06 diễn ra vào chiều 10-5 vừa qua. Theo đánh giá chung của các đại biểu thì khó khăn lớn nhất vẫn là hạ tầng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực, sự liên thông kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống.

Công an xã Lương Phú (Phú Bình) kiểm tra, cập nhật thông tin công dân trên điện thoại thông minh.

Chẳng hạn như ngành Công an, khi tiếp nhận hồ sơ của công dân trên Cổng dịch vụ công, việc đối sánh thông tin trên Cổng và cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia không trùng khớp. Một số sở, ngành hiện giải quyết thủ tục hành chính bằng phần mềm chuyên ngành của bộ, chưa tích hợp với phần mềm của Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh.

Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế chia sẻ: Theo Đề án số 06 và kế hoạch của UBND tỉnh, ngành Y tế được giao 2 nhiệm vụ là phối hợp với Công an tỉnh triển khai sổ sức khoẻ điện tử và làm sạch dữ liệu tiêm chủng để tích hợp vào dữ liệu về dân cư phục vụ cấp hộ chiếu vắc-xin. Vướng mắc là một số điểm tiêm chủng không có đầy đủ máy tính và cán bộ để cập nhập dữ liệu các mũi tiêm trực tiếp; việc cung cấp thông tin của người dân như: Tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại chưa chính xác. Nền tảng tiêm chủng COVID-19 và phần mềm về dân cư quốc gia còn chưa đồng bộ, chưa hoàn chỉnh nên đôi khi xử lý còn chậm.

Còn ông Nguyễn Hữu Sơn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thông tin: Các nội dung ưu tiên thực hiện của ngành Tư pháp là thủ tục khai sinh, khai tử, kết hôn, chứng nhận hộ tịch. Về mặt kỹ thuật thì hiện nay hệ thống đã có sự kết nối nhưng chưa đẩy được dữ liệu lên và chia sẻ; chưa liên thông giữa phần mềm lý lịch tư pháp của Bộ Tư pháp với phần mềm của cổng dịch vụ công nên khó khăn trong thực hiện.

Trước những tồn tại, vướng mắc trên, đại diện các sở, ngành cũng đưa ra một số kiến nghị, đề xuất như: Bộ Công an cần hỗ trợ tỉnh trong việc kiểm tra, đánh giá an ninh mạng, an toàn hệ thống thông tin; trang bị máy móc, thiết bị phục vụ Đề án 06 (máy scan, máy tính) cho công an cơ sở. Các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn cụ thể việc kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu số giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu chuyên ngành…

Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục bám sát các nhóm tiện ích trọng tâm của Đề án số 06 để triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ; chủ động nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, bồi dưỡng nguồn nhân lực và tăng cường tuyên truyền đến mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân nâng cao nhận thức phối hợp thực hiện đảm bảo đúng tiến độ.