Hạ tầng số nói chung và hạ tầng viễn thông nói riêng là thành phần chủ chốt của chuyển đổi số. Hạ tầng viễn thông phát triển sẽ làm nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số. Với Thái Nguyên, công tác này được quan tâm đặc biệt, toàn tỉnh đã có tới trên 99,9% số xóm được phủ sóng Internet di động băng thông rộng với 1,12 triệu thuê bao sử dụng…
Người dân TP. Thái Nguyên trải nghiệm dịch vụ 5G phát thử nghiệm tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp. |
Có người thân đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài, anh Nguyễn Tùng ở Tổ 10, phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên), giữ thói quen gọi điện bằng hình ảnh trực tiếp (video call) thường xuyên. Chính vì vậy, anh Tùng cảm nhận rõ sự thay đổi và khá ngạc nhiên khi chất lượng đường truyền Internet di động 4G tại một số lễ hội, sự kiện có tập trung đông người trên địa bàn TP. Thái Nguyên thời gian qua rất tốt.
Anh Tùng chia sẻ: Lâu nay, tại các lễ hội, sự kiện tập trung đông người, việc gọi video call qua nền tảng Internet 4G khó thực hiện vì nghẽn đường truyền. Tuy nhiên, tại một số sự kiện lớn gần đây như Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc và Lễ hội đường phố kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập TP. Thái Nguyên, tôi có thể thực hiện video call hàng giờ đồng hồ với người thân ở nước ngoài mà không rớt mạng.
Thực hiện Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, Thái Nguyên quan tâm đặc biệt tới phát triển hạ tầng số nói chung và hạ tầng viễn thông nói riêng. Tỉnh đặt mục tiêu đến hết năm 2025, phát triển cáp quang băng rộng đến 100% thôn, xóm; phát triển mới khoảng 808 trạm thu phát sóng 5G; mạng thông tin di động 5G phủ sóng tại 100% khu trung tâm hành chính cấp xã, các khu công nghiệp, đô thị mới, công nghiệp, khu du lịch trọng điểm; 80% hộ gia đình có Internet cáp quang; tốc độ kết nối băng rộng di động đạt 100Mbps, tốc độ kết nối băng rộng cố định đạt 200Mbps; tỷ lệ dân số sử dụng Smartphone đạt trên 70%...
Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Trên cơ sở mục tiêu trên, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới, nâng cấp hạ tầng viễn thông hiện tại; triển khai ứng dụng công nghệ thông minh cho hạ tầng cáp quang để đáp ứng băng thông cho phát triển kinh tế số, xã hội số; triển khai công nghệ mới cho trung tâm dữ liệu để bảo đảm chất lượng dịch vụ trên hạ tầng viễn thông; hoàn thiện hệ thống hạ tầng thông tin theo nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; tập trung nâng cấp mạng di động 4G, triển khai hạ tầng mạng di động 5G; thí điểm những ứng dụng dịch vụ, nền tảng, giải pháp công nghệ mới để chuyển đổi số…
Kết quả, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2,5 nghìn tuyến truyền dẫn cáp quang nội tỉnh; 100% cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, trường học, cơ sở y tế trên địa bàn được kết nối Internet băng rộng cố định. Toàn tỉnh đã có gần 1,29 triệu người sử dụng điện thoại, chiếm tỷ lệ 95% dân số; gần 78% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; trên 94% gia đình có điện thoại thông minh; trên 64% hộ gia đình có cáp quang băng rộng.
Toàn tỉnh hiện có trên 237 nghìn thuê bao Internet băng thông rộng cố định và 1,12 triệu thuê bao Internet băng thông rộng di động; tốc độ tải xuống (download) đối với mạng băng thông rộng cố định đạt 70 Mbps và đạt 35Mbps đối với mạng băng thông rộng di động; tỷ lệ người dùng Internet toàn tỉnh đạt 84%.
Đặc biệt, mạng Internet băng thông rộng di động đã được phủ kín trên 99,9% số xóm, bản trên toàn tỉnh. Hiện, toàn tỉnh chỉ còn 20 xóm, bản chưa có sóng di động băng thông rộng.
Có 4G, người dân xóm Cao Biền được tiếp cận thông tin thời sự hằng ngày, tiếp cận với một số thủ tục hành chính trực tuyến. |
Xóm Cao Biền, xã Phú Thượng, là một trong những xóm vùng sâu, từng là một trong những vùng “lõm” thông tin của huyện Võ Nhai. Tuy nhiên, từ tháng 5-2021, Cao Biền đã được phủ sóng 4G tới khu vực trung tâm và hầu hết các khu vực có nhiều hộ sinh sống.
Anh Triệu Hữu Phong, Trưởng xóm, phấn khởi nói: Xóm Cao Biền cách xa trung tâm, đường giao thông cách trở, sóng truyền hình cũng yếu nên việc có Internet 4G đặc biệt quan trọng với 49 hộ người dân tộc Dao trong xóm. Có 4G, chúng tôi được tiếp cận thông tin thời sự hằng ngày, tiếp cận với một số thủ tục hành chính trực tuyến, được học hỏi kinh nghiệp phát triển kinh tế, học sinh được học những bài học trực quan qua hình ảnh…
Bên cạnh việc phát triển, mở rộng vùng phủ sóng di động băng thông rộng, các nhà cung cấp viễn thông cũng đầu tư nâng cấp các trạm phát sóng di động (BTS). Toàn tỉnh hiện có trên 1,7 nghìn trạm BTS, trong đó 95% số trạm được lắp đặt thiết bị BTS công nghệ 3G, 4G.
Bước đầu, toàn tỉnh đã triển khai thí điểm thành công một số điểm phát sóng 5G trên địa bàn TP. Thái Nguyên và Khu công nghiệp Yên Bình. Cũng theo ông Đỗ Xuân Hòa: Đây là một bước tiến quan trọng, sự chuẩn bị chu đáo của các nhà mạng trong phát triển hạ tầng số làm nền tảng thúc đẩy phát triển chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số và phục vụ người dân trước mắt cũng như lâu dài.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin