Nhiều giải pháp phát triển công nghiệp

08:32, 13/11/2007

Năm 2003, tỉnh Thái Nguyên chỉ có hơn 200 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, thì đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có trên 1.000 doanh nghiệp chủ yếu thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trong đó có 36 doanh nghiệp Nhà nước và trên 1.000 doanh nghiệp, dân doanh.

Các doanh nghiệp công nghiệp của Thái Nguyên đang sử dụng hàng nghìn ha đất, với nguồn vốn đầu tư hơn 10.262 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là hơn 3.761 tỷ đồng; số lao động bình quân của một doanh nghiệp Nhà nước là 620 người, doanh nghiệp dân doanh chỉ đạt 30 người; tài sản cố định và đầu tư dài hạn cuối năm của số doanh nghiệp này đạt hơn 4.554 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp Nhà nước 2.909 tỷ, doanh nghiệp dân doanh là 1.490 tỷ; tài sản cố định và đầu tư dài hạn bình quân một doanh nghiệp Nhà nước là 80,8 tỷ, doanh nghiệp dân doanh là 1,8 tỷ; doanh thu thuần bình quân năm của một doanh nghiệp Nhà nước là 155,4 tỷ, doanh nghiệp dân doanh là 11,8 tỷ đồng...

Kinh tế công nghiệp đã góp phần vào việc ổn định tình hình kinh tế-xã hội, an ninh trật tự, đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo; phục vụ cho công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng thu ngân sách để đầu tư cho giáo dục, y tế, văn hoá thể thao; phát triển kết cấu hạ tầng... Tuy vậy, theo đánh giá chung, hiện tại kinh tế công nghiệp ở Thái Nguyên, đang gặp nhiều khó khăn, rào cản cần tháo gỡ: Phần đông các chủ doanh nghiệp thường thiếu kiến thức về quản trị kinh doanh, về hội nhập kinh tế quốc tế... Trong khi đó chất lượng lao động công nghiệp còn rất thấp, kỷ luật lao động chưa nghiêm, số công nhân lành nghề chưa nhiều, thiếu đội ngũ thợ bậc cao phục vụ cho việc phát triển sản xuất công nghiệp. Từ thực tế trên, vấn đề đáng quan tâm đặt ra là tỉnh cần có chính sách hợp lý để thu hút nhân tài, thu hút người có trình độ cao trong quản trị kinh doanh, trong hội nhập kinh tế vào những vị trí chủ chốt của doanh nghiệp công nghiệp. Đồng thời cần khai thác triệt để lợi thế của tỉnh là trung tâm đào tạo lớn của cả nước.

Để phát triển công nghiệp nói riêng, kinh tế nói chung, cần chú trọng đến các vấn đề, xây dựng các chính sách như:

Về vốn, cần thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư và quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh. Nâng tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển của tỉnh trong cơ cấu chi ngân sách Nhà nước lên trên 40%, trong đó dành phần lớn chi cho phát triển công nghiệp và kết cấu hạ tầng công nghiệp.

Về phát triển khu, cụm công nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp trong tỉnh. Huy động vốn ứng trước của các nhà đầu tư để đầu tư kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Hàng năm dành một phần vượt thu của ngân sách dành cho xây dựng cơ bản để chi hỗ trợ phát triển các cụm công nghiệp.

Về cơ chế chính sách, nhất là chính sách đất đai, thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về đất đai theo Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các quy định của Chính phủ và UBND tỉnh Thái Nguyên.

Về chính sách thị trường, đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm xúc tiến thương mại, thúc đẩy việc các doanh nghiệp có sản phẩm đặc trưng, có lợi thế so sánh, có sản lượng hàng hoá lớn tham dự hội trợ triển lãm trong nước và các thị trường ngoài nước để mở rộng thị trường.

Về chính sách khuyến khích đầu tư, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức về vấn đề cải thiện môi trường đầu tư. Đẩy mạnh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các dự án đầu tư theo đúng cam kết.
Về chính sách khoa học-công nghệ và bảo vệ môi trường, đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm tư vấn và chuyển giao công nghệ Thái Nguyên. Đẩy mạnh nhận thức của cộng đồng và xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường trên toàn tỉnh.

Về chính sách đào tạo và sử dụng lao động, khẩn trương thành lập trung tâm dạy nghề ở các huyện, thành phố, thi xã còn thiếu, cần có chính sách hỗ trợ để các trung tâm này hoạt động có hiệu quả. Doanh nghiệp cần chủ động đào tạo lại đội ngũ lao động tại chỗ hoặc thông qua các trung tâm dạy nghề... Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có giải khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và hạ tầng làng nghề trên cơ sở vốn đối ứng của nhân dân tại các xã có điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; Đổi mới và nâng cao năng lực quản lý của hệ thống quản lý Nhà nước về công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp cho ngành, địa phương đề cao vai trò cá nhân trong lĩnh vực phát triển công nghiệp...

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên, tin rằng lĩnh vực sản xuất công nghiệp ở tỉnh ta sẽ ngày càng phát triển nhanh, mạnh hơn, nâng cao hiệu quả, vai trò trong phát triển KT-XH.