Thái Nguyên trong cơn 'bão giá'

09:01, 02/11/2007

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên, trong 10 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn đã tăng 9,12% (cao hơn mức bình quân của cả nước 2%) và đặc biệt là trong tháng 9 tỷ số tăng giá đã lên tới 1,36%-cao nhất cả nước.

Một số mặt hàng chỉ số giá tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2006 như: Phân bón 18,69%, thực phẩm 17,34%, lương thực trên 15%, thuốc và dụng cụ y tế 11,87%, vàng 14%...

Để nắm bắt giá cả thị trường, hôm nay (1-11), chúng tôi đã đi thực tế khảo sát giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, phân bón, dược phẩm... tại các cửa hàng kinh doanh trên nhiều tuyến phố, trung tâm thương mại của T.P Thái Nguyên. Và điều dễ nhận thấy là ngoài những mặt hàng thiết yếu như: Xăng, dầu; khí đốt, xi măng, sắt thép... có giá bán niêm yết theo mức giá của Chính phủ quy định, còn nhiều mặt hàng không được niêm yết giá và chủ cửa hàng đưa ra giá cao hơn từ 5 tới trên 20% so với những ngày đầu năm.

Các mặt hàng thuộc nhóm lương thực-thực phẩm như gạo tẻ có giá từ 5.500 đồng đến trên 10.000 đồng/kg; thịt lợn từ 33 tới 55 nghìn đồng/kg; các loại thịt gia cầm, thuỷ sản giá cũng tăng từ 2 đến 2,5 nghìn/kg so với thời điểm đầu năm.

Chị Hoàng Thị Hà, một chủ sạp kinh doanh thịt lợn tại chợ Thái cho biết: “Chúng tôi mua lợn hơi giá đã lớn trên 23 nghìn đồng/kg nên giá thịt thành phẩm bán ra cũng tăng theo. Nếu thời điểm đầu năm giá 1kg thịt nạc thăn là 40 nghìn đồng thì giờ tăng lên 50 nghìn đồng...”.

Ở một số siêu thị trên địa bàn Thành phố hàng hoá đa dạng, khối lượng lớn nhưng hầu như các mặt hàng đều tăng giá từ 5 tới 25%. Chị Hoàng Thị Yến, Giám đốc chi nhánh siêu thị Hapro Thái Nguyên thông tin: “Giá nhiều mặt hàng từ tháng 6 đến nay đều tăng, nhưng để giữ khách chúng tôi phải sử dụng khối lượng hàng nhập về từ trước nhằm ổn định, duy trì giá bán từ giờ đến cuối năm. Tuy nhiên, khối lượng hàng trong kho không nhiều và nếu cạn hàng phải nhập hàng mới thì bán lẻ tới khách hàng cũng tăng theo”.

Đặc biệt, giá vàng trên địa bàn thời gian qua cũng tăng tới gần 14% so với cùng kỳ năm 2006 (thời điểm cao nhất đã lên tới trên 1,5 triệu đồng/chỉ) và còn có khả năng tiếp tục tăng do giá vàng thế giới vẫn biến động.

Trong 10 nhóm hàng thì chỉ có các mặt hàng thuộc nhóm bưu chính viễn thông, văn hoá, giải trí, du lịch giảm giá từ 1 tới 1,5% so với cùng kỳ. Giá cả tăng cao nên chỉ có các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu hàng ngày của nhân dân là vẫn duy trì mức tiêu thụ, còn nhiều mặt hàng sức mua giảm so với cùng kỳ năm 2006, nhất là sắt thép, hàng điện tử, vàng...

Hầu hết các tổ chức, cá nhân đang kinh doanh tại T.P Thái Nguyên khả năng dự trữ hàng hoá không lớn, thường xuyên phải nhập hàng mới nên giá bán không thể ổn định trong thời gian nửa năm hoặc một năm mà bắt buộc phải tăng theo giá của các nhà sản xuất đưa ra. Theo ông Ngô Văn Quý, Phó cục trưởng Cục Thống kê tỉnh: Việc tăng chỉ số giá các mặt hàng tiêu dùng trên địa bàn Thái Nguyên thời gian qua là tất yếu, bởi giá các mặt hàng thị trường trong nước, thế giới đều tăng. Vẫn theo ông Quý, từ nay đến cuối năm nguy cơ tăng chỉ số giá tiêu dùng ở mức cao trên địa bàn Thái Nguyên là có khả năng xảy ra. Do đó, ngoài việc Chính phủ thực hiện các biện pháp kìm chế giá cả, các ngành chức năng của Thái Nguyên cũng cần làm tốt những giải pháp: Bảo vệ được thành quả trong sản xuất nông nghiệp, không để dịch bệnh xảy ra gây thiệt hại lớn cho cây trồng, vật nuôi dẫn tới khan hiếm lương thực, thực phẩm; kiểm tra, yêu cầu các tập thể, cá nhân kinh doanh phải niêm yết giá và bán đúng giá hàng hoá theo quy định của Pháp lệnh giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu.