Việt Nam xếp thứ 91 về môi trường kinh doanh

08:56, 10/11/2007

Báo cáo về môi trường kinh doanh năm 2008 của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 9/11 cho thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã thuận lợi hơn thể hiện ở việc tăng ba bậc lên vị trí thứ 91 trong trong bảng xếp hạng 178 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng trên Inđônêxia, Philíppin, Campuchia, Lào và Đông Timo xét về mức độ thuận lợi kinh doanh nói chung. Các vị trí đứng đầu bảng xếp hạng lần lượt thuộc về Xinhgapo, Niu Dilân và Mỹ.

Xếp hạng các nền kinh tế trong Báo cáo 2008 dựa trên cơ sở so sánh tính đến tháng 6/2006 và xếp hạng về mức độ thuận lợi trong kinh doanh dựa trên 10 lĩnh vực khác nhau.

Trong lĩnh vực đăng ký tài sản, Việt Nam xếp thứ 38 với chi phí để đăng ký chỉ mất khoảng 1,2%, trong khi ở một số nước khác, con số này có thể lên đến 9%.

Trong lĩnh vực vay vốn, Việt Nam đứng thứ 40, tăng 32 điểm so với Báo cáo 2007. Theo ông Justin Yap, chuyên gia Phát triển Khu vực tư nhân của WB và Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), đồng tác giả báo cáo, để có được thứ hạng này, chính phủ Việt Nam đã có những cải cách pháp lý rất đáng kể và điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân vay tín dụng để kinh doanh. Ông cho rằng đây là một trong những điều kiện rất quan trọng thúc đẩy các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.

Theo Báo cáo, cấp giấy phép kinh doanh và thực thi hợp đồng cũng là những lĩnh vực mà Việt Nam có thứ hạng khá cao, lần lượt là 63 và 40. Việc rút ngắn thời gian cấp giấy phép được WB và IFC đánh giá là có nhiều cố gắng, liên quan đến những cải cách hành chính của Việt Nam.

Bên cạnh những tiến bộ đã đạt được, Báo cáo cũng chỉ ra những lĩnh vực mà Việt Nam cần cải thiện. Điểm đáng chú ý nhất là thời gian nộp thuế của các doanh nghiệp ở Việt Nam còn khá lớn, khoảng 1.050 giờ. Bên cạnh đó, việc cấp giấy phép trong lĩnh vực xây dựng cũng cần phải cải thiện khi mà Việt Nam xếp thứ 128, chỉ hơn 50 nền kinh tế khác.

Báo cáo 2008 nêu ra 3 lĩnh vực mà Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách, bao gồm lĩnh vực Thành lập doanh nghiệp, Cấp giấy phép, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, và Vay vốn tín dụng. Theo chuyên gia Justin Yap, nếu làm được điều này, xếp hạng của Việt Nam có thể tăng lên 30 bậc.

Các chuyên gia kinh tế Việt Nam cho biết về cơ bản họ nhất trí với Báo cáo 2008 của WB, song cũng nêu lên một số bất cập trong Báo cáo. Chuyên gia kinh tế cấp cao Lê Đăng Doanh cho rằng do Báo cáo thu thập thông tin vào thời điểm tháng 6/2006 nên không cập nhật được những thay đổi ở Việt Nam, ví dụ như việc Việt Nam áp dụng Luật Doanh nghiệp và Luật đầu tư sửa đổi.

Ngoài ra, theo ông Doanh, trên thực tế, ở rất nhiều địa phương, các thủ tục cấp giấy phép kinh doanh, tuyển dụng và sa thải lao động được thực hiện dễ dàng hơn nhiều so với nhận định trong Báo cáo. Về vấn đề nộp thuế, ông Doanh cho rằng sở dĩ có sự chậm chễ như vậy là do cả phía các doanh nghiệp, phần lớn mới được thành lập sau năm 1999 nên tính chuyên nghiệp chưa cao, chứ không chỉ là do phía cơ quan quản lý của nhà nước.