Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ

15:56, 29/12/2007

Theo dự báo của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu năm 2008 sang Hoa Kỳ sẽ đạt 13,1 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2007.

Theo các số liệu thống kê, năm 2007, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ đạt 10,2 tỷ USD, tăng 39% so với năm 2006. Riêng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 4,4 tỷ USD. Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng vào Hoa Kỳ đã tăng mạnh do kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam tăng như hàng dệt may, thủy sản, sản phẩm gỗ, cà phê…

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Hoa Kỳ năm 2008 sẽ tăng trưởng ở mức 1,8 – 2,5%, thấp hơn so với năm 2007. Vì vậy, theo Bộ Công thương, để xuất khẩu vào Hoa Kỳ năm 2008 đạt con số 13,1 tỷ USD, vẫn sẽ phải trông chờ vào các mặt hàng đóng góp cho tăng trưởng như sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép, cà phê, thuỷ sản.

Đối với sản phẩm dệt may, kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ năm 2008 dự kiến đạt 5,4 tỷ USD, tăng 25,6% do với năm 2007. Hiện nay, Hoa Kỳ đang là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng khoảng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành hàng này sẽ phải đối mặt với một số thách thức chủ yếu là cơ chế giám sát của Bộ Thương mại Hoa Kỳ vẫn được duy trì cho đến hết năm 2008. Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) và Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định: mặc dù Việt Nam vẫn tiếp tục phản đối cơ chế này và đề nghị phía Hoa Kỳ giảm bớt ảnh hưởng bất lợi của cơ chế, tuy nhiên đây vẫn là rào cản cho những bước phát triển vượt bậc của ngành dệt may. Một tín hiệu đáng mừng là từ sau khi Hoa Kỳ công bố không khởi động điều tra chống bán phá giá hàng dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu yên tâm sản xuất, có nhiều đơn đặt hàng và nhiều khách hàng lớn đã quay trở lại, nhưng khó có thể có sự tăng trưởng đột biến trong năm 2008.

Kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào Hoà Kỳ năm 2007 đạt 900 triệu USD, tăng 12% do với năm 2006. Tuy nhiên, quy mô xuất khẩu còn khiêm tốn so với dung lượng thị trường Hoa Kỳ bởi nhập khẩu giày dép của Hoa Kỳ vào khoảng 17 – 18 tỷ USD/năm, chiếm 1/3 dung lượng thị trường thế giới. Mục tiêu phấn đấu của Việt Nam năm 2008 là đạt kim ngạch 1,1 tỷ USD, tăng 22% do với năm 2007, chiếm khoảng trên 5% kim ngạch nhập khẩu giày dép của Hoa Kỳ. Xuất khẩu giày dép của Việt Nam năm 2007 vào thị trường Hoa Kỳ mới chỉ chiếm 4% kim ngạch nhập khẩu của nước này.

Theo Bộ Công thương, sản phẩm gỗ sẽ có nhiều tiềm năng phát triển và gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ trong thời gian tới. Với lợi thế về tay nghề cao và chi phí lao động rẻ, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển ngành chế biến gỗ xuất khẩu nói chung và đẩy mạnh xuất khẩu vào Hoa Kỳ nói riêng nếu tổ chức thật tốt việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ vào thị trường Hoa Kỳ năm 2007 đạt 930 triệu USD, tăng 25% so với năm 2006. Mục tiêu phấn đấu đối với thị trường Hoa Kỳ được Bộ Công thương đề xuất là đạt kim ngạch 1,1 tỷ USD vào năm 2008, tăng 23,6% so với năm 2007.

Trong năm 2008, hàng thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục khai thác thị trường Hoa Kỳ. Nhu cầu nhập khẩu thủy sản những năm gần đây của Hoa Kỳ ước khoảng 12 tỷ USD/năm, trong khi đó, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2007 vào Hoa Kỳ mới chỉ chiếm 6,2% kim ngạch nhập khẩu của nước này (tương đương 740 triệu USD, tăng 11% so với năm 2006).

Để phấn đấu năm 2008 nâng tỷ lệ này lên 7,1% thì kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản vào Hoa Kỳ phải đạt 850 triệu USD, tăng 14,9% so với năm 2007.

Hoa Kỳ đang là nước nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Năm 2007, Việt Nam xuất vào Hoa Kỳ khoảng 130 ngàn tấn cà phê, đạt kim ngạch khoảng 200 triệu USD. Năm 2008, dự kiến lượng cà phê xuất khẩu vào Hoa Kỳ sẽ đạt khoảng 120 – 125 ngàn tấn do sản lượng xuất khẩu của Việt Nam trong vụ tới có thể giảm với kim ngạch đạt 192 – 200 triệu USD.

Đối với những mặt hàng như túi xách, ví, vali, mũ, ô dù…, thì đây đều là những mặt hàng mới đối vớ Hoa Kỳ và Việt Nam còn nhiều tiềm năng xuất khẩu vào thị trường này. Kim ngạch xuẩt khẩu những sản phẩm trên của Việt Nam năm 2007 vào Hoa Kỳ mới đạt 200 triệu USD. Dự kiến xuất khẩu năm 2008 sẽ đạt 270 triệu USD, tăng 31% so với năm 2007./.