Doanh nghiệp mất quyền cạnh tranh

14:40, 29/12/2007

Người dân sắm ôtô thay xe công nông sẽ được hỗ trợ kinh phí nhưng chỉ được mua xe của một hãng.

Theo Nghị quyết 32/2007 của Chính phủ, kể từ ngày 1-1-2008, xe công công, xe tự chế ba, bốn bánh sẽ không được phép lưu thông nữa. Việc “khai tử” này sẽ gây nhiều khó khăn cho các hộ đang sử dụng các loại xe vừa nêu để làm kế sinh nhai. Vì vậy, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ kinh phí cho các gia đình ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên để mua phương tiện thay thế. Mỗi hộ dân trong diện này sẽ được hỗ trợ chín triệu đồng nhưng kèm theo điều kiện là phải mua xe của Công ty cổ phần Ôtô TMT (thuộc Tổng Công ty Công nghiệp ôtô Việt Nam).

Chính điều kiện đi kèm này đã gây phản ứng từ các công ty ôtô khác khi vô hình trung họ bị đẩy ra khỏi cuộc chơi.

Hỗ trợ cho doanh nghiệp... độc quyền

Quyết định về việc hỗ trợ nêu rõ, đối tượng được hưởng chính sách là chủ sở hữu của xe công nông quá niên hạn sử dụng, bị cấm lưu hành và các hộ gia đình có nhu cầu mua xe mới để phục vụ sản xuất kinh doanh. Phía Công ty cổ phần TMT sẽ đứng ra ứng cho các hộ dân số tiền là chín triệu đồng sau khi mua xe và làm thủ tục đăng ký. Trước mắt, việc thực hiện thí điểm này sẽ diễn ra từ năm 2008 đến hết năm 2010.

Từ đây, vô hình trung quyết định đã “chỉ điểm” ngay trong vòng ba năm Công ty cổ phần TMT sẽ là nhà cung cấp xe vận tải độc quyền. Vì vậy, ngay sau khi quyết định được ban hành, các doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước đều cảm thấy bất bình trước sự cạnh tranh không bình đẳng này.

Trả lời báo chí, các doanh nghiệp này đều cho rằng chính sách hỗ trợ của nhà nước cho các hộ dân trên là rất thỏa đáng. Tuy nhiên, việc chỉ định đích danh cho một công ty mà không thông qua đấu thầu là chưa hợp lý. Hơn nữa, giá xe vận tải của Công ty TMT hiện vẫn cao hơn xe của các hãng khác 2-3 triệu đồng/chiếc. Với mức hỗ trợ chín triệu đồng, TMT còn có ưu thế rất lớn về giá khi cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.

Thí điểm hay độc quyền?

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp ôtô Việt Nam (công ty mẹ của TMT), cho rằng công ty của mình là một doanh nghiệp nhà nước nên quyền ưu tiên như thế là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, một luật sư cho rằng đứng về khía cạnh pháp luật thì quyết định trên đã tạo ra hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Đồng tình với ý kiến trên, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng quyết định đã chỉ định luôn nhà cung cấp duy nhất là không đúng với Luật Cạnh tranh. Từ đây, dù quyết định có nêu rõ điều kiện tín dụng hỗ trợ cho người mua đi nữa thì người mua vẫn bị thua thiệt, không được chọn lựa những xe khác phù hợp hơn. Còn đối với các nhà cung cấp xe thì rõ ràng đó là một sự thiên vị, làm mất đi quyền được cung cấp những xe tương tự của các doanh nghiệp khác.

Ở góc độ khác, luật sư Phan Đăng Thanh lại cho rằng quyết định nêu trên chưa hẳn đã vi phạm Luật Cạnh tranh. Bởi quyết định đã nêu rõ Công ty cổ phần Ôtô TMT chỉ là đơn vị thực hiện thí điểm thay thế xe. Rõ ràng chỉ khi nào quyết định chỉ định một công ty duy nhất được làm trong cả quá trình thì mới là vi phạm Luật Cạnh tranh. Hơn nữa, việc chọn thí điểm thì chỉ có thể chọn một hoặc hai đơn vị tham gia. Và nơi được chọn phải là đơn vị tiêu biểu về nhiều phương diện để có thể rút ra kinh nghiệm khi thực hiện trên quy mô lớn.

Theo chúng tôi, nếu đây là mô hình thí điểm thì liệu có cần phải thí điểm kéo dài tới ba năm như vậy? Thực tế thì quá trình thay đổi xe chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn chứ đâu có phải là kéo dài trong vòng 10 năm nên không thể gọi đây là thí điểm. Trái lại, nếu thực sự là thí điểm thì chương trình này chỉ nên kéo dài khoảng ba tháng là vừa.

Sau ba năm “thí điểm” thì coi như đã hết thị trường. Khi ấy các doanh nghiệp khác có muốn nhảy vào cũng chẳng còn cơ hội!