Ông Vũ Khoa - Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, nhiều công trình xây dựng đang gặp khó khăn do giá nguyên vật liệu tăng cao.
Theo ông Khoa, những công trình sử dụng vốn tư nhân hay nước ngoài còn đỡ do chủ đầu tư hiểu và thông cảm với các nhà thầu, cho điều chỉnh giá, còn những công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước là khó khăn nhất.
Thông tư hướng dẫn số 05/2007/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Nghị định 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình quy định những dự án có hợp đồng không ghi được điều chỉnh giá sẽ không được điều chỉnh giá.
Thường khi tham gia đấu thầu các công trình có vốn ngân sách, nhà thầu đều né tránh điều kiện "có điều chỉnh giá" vì như vậy sẽ rất khó trúng thầu. Người ta biết là chủ đầu tư rất ngại điều kiện này vì nếu giá vọt lên sẽ rất khó xử lý.
Các dự án sử dụng vốn ngân sách, theo quy định không được vượt quá dự toán đã phê duyệt. Ví dụ nếu dự toán một công trình là 500 tỷ đồng thì đấu thầu với giá thấp hơn hoặc bằng mới trúng còn cao hơn thì không đựơc. Nhưng ngay cả khi giá trúng thầu thấp hơn dự toán thì việc điều chỉnh giá lên (khi nguyên vật liệu tăng) cũng rất khó khăn. Muốn điều chỉnh phải xin ý kiến cấp trên, phải chứng minh được giá nguyên vật liệu tăng và tất cả đều phải có hoá đơn chứng từ... Nếu sau đó có thanh tra thì cũng rất rắc rối. Những câu hỏi như trong hợp đồng không ghi điều chỉnh giá, vì sao lại điều chỉnh giá? Có vấn đề gì trong này không?... tất cả đều rất phức tạp và khó trả lời với chủ đầu tư, vì vậy mà người ta không muốn ký những hợp đồng có điều chỉnh giá. Và chỉ có những hợp đồng không điều chỉnh giá mới dễ dàng được chấp nhận.
Chính điều này đã làm cho nhiều dự án sử dụng vốn ngân sách gặp phải khó khăn khi giá nguyên vật liệu xây dựng tăng mạnh. Có nhiều công trình từ khi lập hồ sơ tham dự thầu đến khi xét thầu diễn ra tới cả năm trời, rồi thi công phải mất vài năm vậy mà giá nguyên liệu chỉ tính tại thời điểm lập hồ sơ tham gia thầu, không có điều chỉnh gì.
Trong trường hợp này, nếu là công trình đang thi công, nhà thầu thường ăn bớt nguyên vật liệu một cách kín đáo nhằm làm giảm chi phí và như vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình, hoặc là tạm ngừng thi công, thi công chậm để gây sức ép với chủ đầu tư, chờ đợi được điều chỉnh và như vậy sẽ làm chậm tiến độ.
Còn với những công trình mới trúng thầu xét thấy giá nguyên liệu tăng cao làm chỉ thua lỗ thì chấp nhập huỷ thầu chịu phạt. Hầu hết các công trình sử dụng vốn ngân sách đang thi công hiện nay đều chậm tiến độ là vì nguyên nhân này.
Theo bà Hoàng Thu Hồng - Giám đốc Công ty cổ phần xây lắp và vật liệu xây dựng Khánh Hoà thì tình trạng thua lỗ của các nhà thầu với các công trình không được điều chỉnh vốn, hiện nay rất nhiều. Công ty cổ phần xây lắp và vật liệu xây dựng Khánh Hoà có 5 công trình lớn thì có nguy cơ thua lỗ. Chẳng hạn dự án Trung tâm điện báo khánh Hoà tại 50 Lý Thánh Tông (Nha Trang) đã trúng thầu và đang làm nền móng thì vướng phải trạm biến áp phải chờ đợi di chuyển mất 7 tháng. Khi ký hợp đồng giá thép chỉ có 8 triệu đồng/tấn nay là 14 triệu đồng/tấn, tăng gần gấp 2 lần mà lỗi không thuộc về nhà thầu, nhưng không được điều chỉnh giá thành ra có nguy cơ thua lỗ.
Hay như dự án khách sạn Gió mới của Công ty Sài Gòn Tourist tại Phú Yên cũng vậy, tổng giá trị hợp đồng chúng tôi ký khoảng 20 tỷ đồng nay xây chưa xong, tính ra đã thua lỗ khoảng 4 tỷ đồng do giá nguyên vật liệu tăng mà đề nghị điều chỉnh giá không được. Trước đây theo quy định giá nguyên vật liệu tăng 5% là được điều chỉnh, nay không cho phép như vậy thật khó khăn cho các nhà thầu.
Ông Phương Kim Thảo - Giám đốc công ty Cổ phần xây dựng dân dụng Hà Nội cho biết hiện nay các doanh nghiệp xây dựng lớn thì còn trụ được, nhưng với những doanh nghiệp nhỏ thì rất khó khăn. Làm xây dựng trong thời buổi giá vật liệu tăng mạnh thật là khổ. Với những công trình sử dụng vốn ngân sách thì đến nay Nhà nước vẫn chưa cho phép điều chỉnh giá và nhiều công trình đã phải ngừng thi công. Tôi cũng đã thấy không ít nhà thầu trúng thầu đã bỏ vì giá nguyên vật liệu tăng cao làm sẽ bị thua lỗ.
Một cán bộ của công ty Xây dựng số 9 Hà Nội (Tổng công ty Xây dựng Hà Nội) cho biết: "Giá thép tăng cao như hiện nay vượt rất xa so với những dự báo của chúng tôi. Vừa qua Công ty thi công một số công trình quan trọng cho các chủ đầu tư là Học viện Hành chính Quốc gia, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Các công trình này trúng thầu lúc đó giá thép còn thấp, sau đó cứ tăng dần lên, nay thì tới 13 triệu đồng/tấn công ty không biết làm thế nào. Tất cả những vấn đề này chúng tôi đều phản ánh với chủ đầu tư, nhưng chủ đầu tư cũng chẳng giúp đỡ hay hỗ trợ được gì mà chỉ nói là cứ làm đi, nhưng cứ làm thì thua lỗ làm sao được".
Ông Vũ Khoa cho biết thời gian qua Hiệp hội nhà thầu xây dựng đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ các doanh nghiệp xây dựng về vấn đề này, Hiệp hội cũng đã có ý kiến lên Bộ tài Chính và Xây dựng nhưng không thay đổi được gì vì theo các quan chức, quy định đã như vậy cũng không thay đổi được một sớm một chiều.