Các chuyên gia thương mại cho rằng đến thời điểm này có thể khẳng định nguồn hàng phục vụ tiêu dùng dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên Đán 2008 sẽ rất dồi dào, thế nhưng chắc chắn giá hàng hóa sẽ ở mức cao.
Chuẩn bị cho dịp mua sắm lớn nhất trong năm, các công ty thương mại, các nhà phân phối đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để dự trữ nguồn hàng nhằm chủ động trong việc cung ứng hàng hoá nhân dịp Tết. Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết trị giá trên 350 tỷ đồng, chủ yếu là các mặt hàng thực phẩm, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá.
Công ty xuất nhập khẩu Hà Nội cũng đã chuẩn bị 100 tỷ đồng mua 3.500 tấn gạo các loại và 200 tấn bột mì phục vụ Tết.
Tổng công ty Bia-rượu-nước giải khát Hà Nội dự kiến đưa ra thị trường 115 triệu lít bia các loại, trong đó 51 triệu lít phục vụ Tết Nguyên đán 2008, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.
Dự kiến các công ty Cổ phần Bánh mứt kẹo Hải Châu, bánh kẹo Hà Nội sẽ đưa ra thị trường 2.427 tấn bánh mứt kẹo các loại. Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm dự kiến đưa ra thị trường 360 tấn thịt lợn, 260 tấn thịt gia cầm, 1 triệu quả trứng gà sạch trong tháng Tết.
Các trung tâm thương mại, siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội như Big C, Metro, Intimex, Fivimart cũng đã dự trữ lượng hàng phục vụ Tết với tổng số tiền hàng lên tới 400 tỷ đồng, tăng 20% so với Tết Đinh Hợi.
Giá cả sẽ tăng cao
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, cho biết do sức tiêu thụ hàng hoá trong dịp Tết sẽ tăng thêm 30% so với lượng tiêu thụ thường nhật, trong khi đó lượng cung lại giảm sút do dịch bệnh và thiên tai.
Theo ông Phú, việc giữ ổn định giá thực phẩm từ nay đến Tết Nguyên Đán 2008 là rất khó, nhất là trong khi lợn thịt bị giảm đàn do bệnh tai xanh và dịch cúm gia cầm, ngoài ra còn chịu sức ép lớn từ việc giá thức ăn gia súc tăng mạnh. Vì vậy giá hàng hoá tại Thủ đô trong dịp Tết sẽ tăng khoảng 10-15% so với hiện nay.
Để bình ổn giá hàng hoá tiêu dùng trong dịp Tết , Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính có giải pháp thích hợp về tài chính để các địa phương cho doanh nghiệp vay vốn và hỗ trợ lãi suất khoảng 5 đến 6 tháng để dự trữ hàng hoá thực phẩm phục vụ Tết.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm và nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc để bảo đảm nguồn hàng và yêu cầu điều hành giá cả thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hoàng, Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, lãnh đạo thành phố đã quyết định hỗ trợ các doanh nghiệp 200 tỷ đồng, không tính lãi suất để doanh nghiệp có vốn dự trữ hàng hoá. Như vậy, hàng hoá năm nay sẽ không thiếu, sự hỗ trợ kịp thời của thành phố chắn chắn sẽ góp phần bình ổn giá vào dịp cuối năm./.