Chuẩn bị kết thúc năm 2007, một trong các sự kiện kinh tế lớn của Việt Nam gây được sự chú ý cả trong và ngoài nước đó là nguồn kiều hối chuyển về nước tăng mạnh, gấp nhiều lần vốn ODA và cao hơn cả số vốn FDI thực tế chuyển vào thực hiện tại Việt Nam.
Hiện nay có nhiều nguồn số liệu dựa trên các căn cứ và thống kê khác nhau, nên đưa các dự báo cũng khác nhau. Dựa trên các số liệu từ ngành ngân hàng và Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài thì ước tính đến hết năm 2007 riêng lượng kiều hối chuyển về TP HCM lên tới trên 6 tỷ USD. Đó là con số thống kê được, chưa kể kiều hối chuyển bằng các con đường khác. Trong cả nước, nếu như lượng kiều hối chuyển về năm 2005 mới đạt gần 4 tỷ USD, thì năm 2006 tăng lên 5,2 tỷ USD và năm 2007 dự báo con số thống kê được đạt trên 6 tỷ USD.
Song theo thống kê trên tờ New York Times, thì số tiền người Việt Nam chuyển về nước năm 2006 là 6,82 tỷ USD, đứng hàng thứ hai ở khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Philippines (14,8 tỷ USD). Con số này tương đương với 11,21% GDP và tính bình quân mỗi người Việt Nam ở nước ngoài gửi về nước trong năm 2006 là 3.398,42 USD. Tính chung ở châu Á, Việt Nam đứng hàng thứ tư về số tiền gửi về, sau Ấn Độ (24,5 tỷ USD), Trung Quốc: 21,07 tỷ USD và Philippines. Như vậy với thực tế này, ước tính số tiền người Việt Nam gửi về nước trong năm 2007 sẽ vượt con số 7,5 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Hoài Bắc, Giám đốc Công ty Cavituors Trading Corp., có trụ sở tại Canada, chuyên xuất nhập khẩu và chuyển kiều hối về Việt Nam, thì: “Theo ước đoán của nhiều người, lượng kiều hối thực năm nay có thể đạt mức hơn 10 tỷ USD”. Cũng theo ông Bắc, mỗi năm có khoảng 1 triệu lượt người Việt Nam về nước, nên lượng kiều hối chuyển về qua đường cầm tay là rất lớn. Nhiều Việt kiều khác chọn cách gửi tiền qua các Tổ chức phi Chính phủ.
Theo bà Nguyễn Như Lý, Giám đốc điều hành Tổ chức chuyển tiền nhanh toàn cầu Western Union khu vực Đông Dương, nguồn kiều hối năm 2007 về Việt Nam tương đương 67% FDI, tức là trên 10 tỷ USD (FDI dự kiến đạt 15,7 tỷ USD - 19 tỷ USD). Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 7 trên thế giới và thứ 4 ở châu Á về kiều hối. Thời gian gần đây lượng kiều hối từ châu Á và Trung Đông tăng mạnh do người Việt Nam đi xuất khẩu lao động, kết hôn ở khu vực này tăng cao. Trong các năm gần đây Việt Nam xuất khẩu lao động đạt con số 80.000 - 100.000 người mỗi năm đến khu vực Trung Đông và châu Á.
Một con số thống kê thực tế khác từ một số NHTM có thế mạnh về kiều hối cũng cho thấy khả năng kiều hối chuyển về Việt Nam rất lớn và đang tăng lên. Trong 11 tháng đầu năm 2007 doanh số chuyển tiền cá nhân từ nước ngoài về Việt Nam qua hệ thống Vietcombank đạt 950 triệu USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước, ước tính cả năm 2007 đạt 1,05 tỷ USD. Hiện nay Vietcombank đang chiếm khoảng 18-20% thị phần kiều hối chính thức chuyển qua hệ thống ngân hàng nội địa.
Tiếp theo đó là Sacombank, doanh số chi trả kiều hối 11 tháng đạt 840 triệu USD, ước tính cả năm 2007 đạt 930-950 triệu USD, tăng mạnh so với mức 670 triệu USD của năm 2006. NHTM cổ phần Đông Á đang đứng ở vị trí thứ ba, với doanh số kiều hối ước tính đạt 850 triệu USD. Ngân hàng Công thương Việt Nam cũng dự báo doanh số chi trả kiều hối cả năm 2007 đạt 750 triệu USD, tăng 50% so với năm 2006.
Các ngân hàng khác, như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIB), NHTM cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), NHTM cổ phần Phương Nam,... dự báo cũng có doanh số chi trả kiều hối đạt khá, từ 200 triệu USD đến 600 triệu USD, tăng 40%-50% so với năm trước.
Hiện nay, Ngân hàng Công thương Việt Nam (Incombank) đang triển khai dịch vụ chuyển tiền kiều hối qua thẻ ATM, với số lượng khoảng 500 máy ATM của ngân hàng này trong toàn quốc, tập trung chủ yếu tại các thành phố, thị xã, thị trấn, khu vực dân cư tập trung, nên rất thuận tiện cho người nhận kiều hối tại tất cả các vùng của Việt Nam.
Tổ chức chuyển tiền nhanh toàn cầu Western Union đang chiếm thị phần lớn nhất về kiều hối chuyển về Việt Nam, với trên 4.000 điểm chi trả trong toàn quốc với sự hợp tác, nhận làm đại lý của nhiều ngân hàng lớn, có mạng lưới rộng. Trong đó riêng hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có tới 2.000 điểm giao dịch đến tất cả các vùng nông thôn đang làm đại lý chuyển tiền cho Western Union.
Sắp tới, Western Union sẽ phát hành loại thẻ World Card để người gửi và nhận kiều hối có thể thực hiện nhanh các dịch vụ này trên toàn thế giới. Western Union cũng có kế hoặch triển khai việc chuyển tiền qua Internet trên cơ sở phối hợp với các đơn vị có liên quan. Đây là bước đột phá lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu chuyển kiều hối giữa các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trong cơ cấu nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam thì 80% là USD, còn lại là các loại ngoại tệ mạnh khác, như: Euro, AUD, CAD, GBP, JPY... Nguồn này bên cạnh lượng chuyển thường xuyên của Việt kiều, thì thời gian gần đây tăng mạnh bởi thị trường bất động sản lên cơn sốt; số lượng người Việt Nam đi xuất khẩu lao động, sinh sống và làm ăn ở nước ngoài tăng nhanh chuyển tiền về nước; thị trường cổ phiếu và chứng khoán phát triển; nhu cầu mua cổ phần các công ty trong nước tăng mạnh,... Điều đó cũng cho thấy mục đích chuyển kiều hối đã có những thay đổi căn bản, từ giúp gia đình chi tiêu, hỗ trợ khó khăn về tiêu dùng, thì hiện nay mang tính chất đầu tư, tiền chảy vào thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán,...
Như vậy có thể khẳng định, không có con số chính thức được công bố và cũng không thể thống kê chính xác, đầy đủ lượng kiều hối chuyển về Việt Nam, nhưng qua các nguồn căn cứ nói trên thì lượng kiều hối năm 2007 là vượt trội so với các năm trước.
Đây là nguồn lực tài chính lớn cho đất nước, cho các gia đình, đặc biệt làm giảm mạnh thâm hụt cán cân vãng lai, thậm chí là thặng dư cán cân vãng lai của Việt Nam và kiều hối bù lại cho thâm hụt cán cân xuất nhập khẩu mà nhập siêu được ước tính cả năm 2007 lên tới 9 tỷ USD. Kiều hối vào nhiều, tạo áp lực lớn lên điều hành chính sách tiền tệ. Bởi vì kiều hối vào nhiều, phải chuyển đổi sang nội tệ, tức Đồng Việt Nam để cho tiêu, đầu tư, góp vốn mua cổ phần và kinh doanh chứng khoán. Song một khối lượng lớn tiền Đồng Việt Nam cung ứng ra lưu thông lên tới hơn 100.000 tỷ đồng lại gây sức ép tâm lý trong dư luận về chống lạm phát trước bối cảnh giá cả nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới tăng cao. Đây là vấn đề phức tạp trong điều hành chính sách tiền tệ và dư luận cần được xử lý trên cơ sở thông lệ quốc tế và khu vực.