Ngày 24/12, nhiều hãng tin lớn nước ngoài như AFP, Reuters, Tân Hoa Xã, Todayonline, Chanel NewsAsia đã đăng tải những bài viết trong đó ca ngợi những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2007.
Hãng tin này cũng chia sẻ với nhận định cho rằng trong năm 2007, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 20 tỷ đô la Mỹ (tăng 8 tỷ đô la Mỹ so với năm 2006). Bên cạnh đó, hãng tin AFP cũng đưa ra những con số ấn tượng đem lại từ nguồn thu xuất khẩu các mặt hàng như dầu mỏ, hàng dệt may, giầy da, điện tử, hải sản, gạo và cà phê của Việt Nam đạt 48,3 tỷ đô la Mỹ.
Theo hãng tin AFP thì hiện Mỹ đã giành vị trí của Liên minh châu Âu và trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam (hiện 19% nguồn thu từ xuất khẩu của Việt Nam là từ thị trường Mỹ).
Hãng tin này cũng đưa ra nhận định trong năm 2007, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ đạt 8,44% tương đương với mức GDP 833 đô la/người. Tuy nhiên, hãng tin này cũng chia sẻ với quan điểm của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng hiện khoảng cách giàu nghèo tại Việt Nam ngày càng rõ rệt.
Hãng AFP cũng nhận định: “Việt Nam là một quốc gia đang nổi và trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á”. Tờ báo này cũng chia sẻ quan điểm cho rằng với những thành tựu kể trên, Việt Nam sẽ nhanh chóng trở thành một nước có mức thu nhập trung bình, với GDP hàng năm/người sẽ đạt 1.000 đô la Mỹ vào năm 2010.
Tuy nhiên, bên cạnh việc dẫn chứng những thành tựu ấn tượng về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, một số hãng tin nước ngoài như AFP, Todayonline và Chanel NewsAsia cũng chỉ ra rằng việc thúc đẩy lưu thông tiền tệ mạnh mẽ và sự gia tăng nhanh chóng của giá dầu và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ đối với đời sống của nhân dân, đặc biệt là tầng lớp dân nghèo.
Hãng tin AFP cũng dẫn chứng những con số cho thấy những thành tựu ấn tượng của Việt Nam trong năm 2007 như đã tạo thêm công ăn việc làm cho 1,7 triệu lao động và có tới 82.500 người Việt Nam được gửi đi lao động ở nước ngoài. Theo ước tính, hàng năm, số người lao động tại nước ngoài của Việt Nam đã đóng góp khoảng 6 triệu đô la Mỹ vào nền kinh tế nước nhà.
Du lịch cũng được đánh giá là ngành công nghiệp đầy hứa hẹn. Hãng tin Todayonline cũng đưa ra dẫn chứng cho thấy số khách nước ngoài du lịch tại Việt Nam trong năm 2007 đã tăng 16,4% so với năm 2006 cùng với sự kiện đón tiếp người khách nước ngoài thứ 4 triệu đặt chân tới Việt Nam.
Năm 2007 cũng đánh dấu nhiều sự kiện đang mừng trong việc thu hút viện trợ nước ngoài với 5,4 tỷ đô la Mỹ từ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đã góp phần không nhỏ trong việc tháo gỡ những khó khăn, cản trở tốc độ kinh tế của Việt Nam.
Hãng tin Trung Quốc Tân Hoa Xã cũng chia sẻ với nhận định: “Năm 2007, Việt Nam dự kiến sẽ thu hút 20 tỷ đô la Mỹ FDI- một con số ấn tượng đánh dấu 20 năm ra đời của Luật đầu tư nước ngoài”. Hãng tin này đã trích dẫn lời nhận định của ông Phan Hữu Thắng- Cục trưởng cục đầu tư nước ngoài, Bộ kế hoạch và đầu tư cho rằng: “Tính đến cuối tháng 11/2007, Việt Nam đã thu hút được 16 tỷ đô la FDI. Cùng với các dự án đầu tư Yên Sở, Mỹ Phước với tổng trị giá lần lượt là 1 tỷ đô la Mỹ và 670 triệu đô la Mỹ cùng một số dự án đầu tư tiền năng khác thì việc thu hút 20 tỷ đô la Mỹ FDI vào Việt Nam trong năm 2007 là hoàn toàn có thể”.
Hội đồng kinh doanh châu Á (ABC) cũng đánh giá trong giai đoạn 2007-2009, Việt Nam xếp thứ 3 về thu hút đầu tư trong khu vực, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Hãng tin Tân Hoa Xã cũng chia sẻ quan điểm cho rằng hiện Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tăng cường đầu tư cho giáo dục, đào tạo và điều này sẽ góp phần làm hài lòng các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam.
Số liệu do Tổng cục thống kê đưa ra cũng cho thấy trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam ngày càng thu hút được nhiều dự án FDI. Trong năm 1990, đã có 107 dự án FDI vào Việt Nam với tổng trị giá đạt 735 triệu đô la Mỹ. Năm 2000, Việt Nam đã thu hút được 391 dự án FDI với tổng trị giá đạt trên 2,8 tỷ đô la Mỹ và trong năm 2006, số dự án FDI vào Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng, với 987 dự án trị giá 12 tỷ đô la Mỹ.