Tính đến nay, huyện Phổ Yên đã có trên 1.500 ha chè, tăng 500ha so với năm 2000. Trong đó, có gần 400ha chè được trồng bằng các giống chè cành năng suất, chất lượng.
Nhờ đó, Phổ Yên đã tạo được thị trường tiêu thụ chè ổn định với 70% sản lượng chè nội tiêu, 30% xuất khẩu, giá trị thu được trên 1ha đạt bình quân đạt 50 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, để cây chè thật sự trở thành cây xoá đói, giảm nghèo của bà con thì địa phương cần có những chiến lược phù hợp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè.
Thực trạng vùng chè
Từ năm 2003, huyện Phổ Yên đã tập trung chỉ đạo người dân ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, thâm canh cũng như đưa các giống chè mới năng suất, chất lượng như LDP1, TRI 777, Bát Tiên... vào gieo trồng. Nhờ đó, năng suất chè ở Phổ Yên tăng mạnh từ 62,15 tạ/ha (năm 2003) lên 79,18 tạ/ha (năm 2006). Song song với đầu tư trồng mới, thâm canh tăng năng suất cây chè, việc chế biến, tiêu thụ chè cũng được người dân quan tâm. Trước năm 2000, do nhu cầu thị trường ngày càng tăng, khách hàng đòi hỏi chất lượng sản phẩm hàng hoá cao, các hộ dân đã chuyển đổi từ chế biến chè thủ công sang dùng máy xao vò chè nên đã góp phần giảm sức lao động, nâng cao chất lượng chè. Tuy nhiên, để có máy xao, vò chè, người dân phải đầu tư vốn khá lớn, từ 2 đến 4 triệu đồng. Hơn nữa, tại những vùng chè trọng điểm của huyện như Thành Công, Phúc Thuận, Phúc Tân... chất lượng điện năng chưa được quan tâm, tình trạng “ăn cơm đèn, đi ngủ điện” vẫn thường xuyên diễn ra.
Có sản phẩm để trao đổi nhưng hiện nay, vấn đề tiêu thụ chè ở Phổ Yên vẫn chủ yếu diễn ra tại các chợ như Bắc Sơn, Thành Công, Phúc Thuận, Minh Đức... Những chợ này là nơi tiêu thụ 1/2 sản lượng chè toàn huyện. Do nền kinh tế thị trường, nhiều hộ gia đình nông dân chuyển sang kinh doanh dịch vụ tiêu thụ chè. Tính đến hết năm 2006, toàn huyện có mạng lưới tư thương gồm trên 300 hộ, chiếm 30% sản lượng chè với giá trị trên 70 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có Công ty chè Bắc Sơn, Công ty chè Quân Thành, Công ty cổ phần chè Quân Chu, HTX kinh doanh trà Bắc Sơn là những đầu mối tiêu thụ chè cho nông dân chiếm 20% sản lượng chè toàn huyện. Đây cũng là những địa chỉ tiêu thụ chè búp tươi cho các hộ dân khi thời vụ tập trung năng suất, sản lượng ở mức cao. Mặc dù được xác định vùng chè nhưng công tác quy hoạch vùng sản xuất chưa được huyện Phổ Yên xác lập một cách khoa học, bài bản, bền vững, vẫn còn một bộ phận nông hộ tự triển khai sản xuất, chế biến, tiêu thụ.
Một số giải pháp phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè
Để tạo được vùng chè ổn định, phát triển bền vững, góp phần xoá đói giảm nghèo, giải quyết lao động việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân, huyện cần tập trung rà soát quỹ đất có khả năng trồng chè để tổ chức quy hoạch những vùng sản xuất chè phù hợp với điều kiện địa phương; tiếp tục hoàn thiện chính sách giao đất, giao rừng cho hộ nông dân theo hướng xây dựng mô hình trang trại để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Bên cạnh đó, Phổ Yên quan tâm chỉ đạo người dân tích cực cải tạo và thâm canh, đưa những giống chè mới cho năng suất chất lượng cao vào trồng thay thế cho những giống chè cũ đã thoái hoá xuống cấp. Những tháng chính vụ, người dân nên ký hợp đồng tiêu thụ chè búp tươi với các nhà máy sản xuất, chế biến chè trên địa bàn nhằm khai thác tối đa công suất các nhà máy, còn vào những tháng đầu vụ, cuối vụ, người dân tập trung chế biến thủ công và cơ khí nhỏ để tạo ra những sản phẩm chè ngon, chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu nội tiêu.
Ngoài ra, huyện có chính sách cụ thể để cải thiện môi trường đầu tư, ưu tiên các doanh nghiệp thu gom, chế biến, tiêu thụ chè, tạo ra một mạng lưới vệ tinh đông đảo cho người dân sản xuất chè bình ổn vào những tháng chính vụ. Thường xuyên thông tin về giá chè tại các chợ là cách giúp người dân không còn bị tư thương ép giá, khuyến khích người dân sản xuất chè vụ đông nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, giá trị lớn. Trên cơ sở các chương trình, dự án trồng mới, cải tạo, thâm canh của các địa phương, Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT huyện có kế hoạch giải ngân nhanh gọn, lãi suất ưu đãi với mức cho vay theo nhu cầu đầu tư của các tổ chức, cá nhân. Tiếp tục thực hiện chính sách đầu tư ưu đãi, trợ giá đối với các công nghệ mới đưa vào áp dụng như hỗ trợ giống chè trợ giá 30% giá giống đối với chè giống mới. Song song với các biện pháp trên, huyện nên chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực cho việc phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè. Các ngành, phòng ban chuyên môn tăng cường tổ chức tập huấn kỹ thật canh tác, chuyển giao tiến bộ công nghệ sinh học cho nhân dân các địa phương vùng chè; tổ chức các lớp cho cán bộ quản lý các HTX, các doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè về marketing tiêu thụ sản phẩm về xây dựng nhãn mác và thương hiệu...