Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới

08:13, 18/12/2007

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 17/12 cho biết quy mô của nền kinh tế Trung Quốc giảm đi gần một nửa (40%) theo phương pháp tính toán dựa trên sức mua tương đương (PPP), nhưng đây vẫn là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong bản báo cáo xếp hạng các nền kinh tế năm 2005, WB cho biết công trình khảo sát mới nhất có sử dụng chỉ số PPP cho thấy giá trị của nền kinh tế Trung Quốc nhỏ hơn nhiều so với những tính toán trước đây mà WB cho là "ít tin cậy hơn".

Thông cáo của WB cho biết công trình nghiên cứu mới nhất do WB và các đối tác khác tiến hành này thể hiện "nỗ lực lớn hơn và đầy đủ nhất" nhằm đánh giá quy mô tương đối của 146 nền kinh tế với việc sử dụng phương pháp PPP, một phương pháp loại trừ tác động của tỉ giá hối đoái. Phương pháp mới này sử dụng những số liệu đáng tin cậy hơn về lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc.

WB cho biết với những phương pháp ít tin cậy hơn được sử dụng trước đây, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc được tính toán cao hơn tới 40% so với GDP được tính theo phương pháp mới tiến bộ hơn.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chiếm hơn 9% GDP toàn cầu so với 14% theo phương pháp cũ. Ấn Độ chiếm hơn 4% GDP toàn cầu, đứng thứ 5, giảm 1% so với cách tính cũ. Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất với 23% GDP toàn cầu, Nhật Bản đứng thứ ba với 7% .

Quy mô nền kinh tế của Trung Quốc và của các nước đang phát triển khác rõ ràng lớn hơn khi sử dụng phương pháp PPP so với phương pháp tỉ giá hối đoái thị trường. Nhà kinh tế Albert Keidel thuộc Carnegie Endowment, cho rằng báo cáo mới của WB đã làm nổi bật hơn nữa tình trạng phân hóa giàu nghèo ở Trung Quốc.