Việt Nam lần đầu tiên tôn vinh doanh nhân vi mô

03:18, 16/12/2007

60 doanh nhân vi mô trong toàn quốc - những người nghèo có ý chí làm giàu, vươn lên từ các dự án nhỏ và khuyến khích những người nghèo khác khởi sự làm giàu - lần đầu tiên được tôn vinh tại Việt Nam. Lễ trao giải "Doanh nhân vi mô Citi Việt Nam 2007" diễn ra hôm 14/12, tại Hà Nội.

Thu hơn 100 triệu từ vài trăm nghìn đi vay

Gia đình bà Trần Thị Sự rời bỏ Thanh Hoá vào lập nghiệp tại Lâm Đồng từ vài chục năm trước. Cuộc sống của ông bà chỉ trông chờ vào rừng, nhưng rồi lũ cuốn trôi tất cả. Năm 1998, hai vợ chồng bà lại "khăn gói quả mướp" di cư đến cùng rừng ấp Cây Dầu, xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú (Đồng Nai) để kiếm kế sinh nhai bằng cách kiếm củi trong rừng, bán lấy tiền đong gạo.

Cuộc sống gia đình cơ cực kéo dài đến năm 2003, khi Quỹ Dariu của Thuỵ Sĩ cho vợ chồng bà vay 500.000 đồng. Từ đó, bà trồng bầu bí, mướp đắng trên mảnh đất đang sinh sống. Để có kiến thức về rau màu, hai ông bà mỗi sáng dậy từ 4h sáng để nghe chương trình khuyến nông trên Đài Phát thanh TP.HCM. Qua đài, ông bà học được cách trồng bầu bí, đậu đũa, đậu tương... và dần dà có kinh nghiệm hơn trong việc trồng rau màu. Đến nay, ông bà vẫn không bỏ thói quen nghe những chương trình dạy về chăm sóc, tưới tắm cây trồng ra sao vào mỗi sáng.

Nhờ chắt chiu làm ăn, ông bà đã trả hết nợ và có tiền nuôi 7 con ăn học. Với 5ha đất, mỗi năm 2 vụ rưỡi, bà bán được hơn 30 tấn rau màu, đậu đũa tới bầu bí. Năm 2006, gia đình bà thu được 75 triệu đồng, sang năm nay, con số này lên tới 125 triệu đồng.

Bà Phan Thị Lượng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cũng là một phụ nữ lam lũ, chịu khó làm ăn để mong cuộc sống thoát nghèo. Được tín dụng xã cho vay 10 triệu đồng, bà nuôi cá thực nghiệm ngay trên ao nhà. Công việc ao chuôm vất vả hầu như một tay bà gánh vác. Ông chồng bị bệnh thận phải vào viện quanh năm. Bà kể, có đợt chồng bà 8 lần phải nhập viện, ngày bà đi học lấy kiến thức nuôi cá, tối vào viện chăm chồng.

"Có những thời điểm tôi tưởng như không vượt qua được", bà Lượng rơm rớm nước mắt kể. "Năm 2005, chồng tôi mất. Chưa kịp gượng dậy thì đến năm 2006, lũ lụt tràn qua Vĩnh Tường cuốn trôi của tôi hàng trăm triệu đồng. Năm nay, con tôi đi xuất khẩu lao động tại Malaysia bị tai nạn lao động chữa chạy mất vài trăm triệu đồng."

Nhưng rồi người đàn bà tháo vát, chịu khó ấy cũng vượt qua được tất cả. Bà chia sẻ kinh nghiệm với chị em phụ nữ: "Chị em đừng ngại khó, đừng ỉ lại và phải tự vươn lên. Hãy tin tưởng và xác định rằng, cái gì nam giới làm được thì phụ nữ cũng làm được." Đến nay gia đình bà đã có 10ha diện tích mặt ao thả cá. Bà còn tham gia hoạt động của Hội Phụ nữ xã, giúp đỡ và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong vùng.

Kết nối gương sáng cho người nghèo

Bà Trần Thị Sự, Phan Thị Lượng chỉ là hai trong số 60 doanh nhân vi mô được trao giải "Doanh nhân vi mô Citi Việt Nam 2007", lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Giải thưởng này do CitiGroup và Nhóm công tác tài chính vi mô Việt Nam (MFWG) trao tặng. Ngoài ra, có 30 cán bộ tín dụng xuất sắc nhất và 11 tổ chức tài chính vi mô tiêu biểu. Các doanh nhân vi mô được giải kèm theo phần thưởng 350 USD (tương đương khoảng 5,7 triệu đồng).

Ông Charly Madan, Tổng Giám đốc Ngân hàng Citi tại Việt Nam, cho rằng, giải thưởng là cơ hội để tôn vinh những người cực nghèo khởi sự kinh doanh, quảng bá mô hình làm ăn của họ ra cộng đồng và khuyến khích những người nghèo khác trong vùng khởi sự làm giàu, vượt lên trên ngưỡng nghèo cùng cực. Cuộc gặp gỡ này cũng tạo điều kiện để các doanh nhân vi mô xuất sắc kết nối và chia sẻ kinh nghiệm với nhau.

Giải thưởng cũng thúc đẩy cộng đồng hiểu biết hơn về các tổ chức tài chính vi mô ở Việt Nam, khi nhiều người vốn chưa quen với thuật ngữ này.

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Vụ trưởng Vụ các ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) những khoản tín dụng cực nhỏ đó đã làm thay đổi cuộc sống của những người vốn rất nghèo. Mô hình này giống như hoạt động của Ngân hàng Grameen (Bangladesh), đã cho hơn 6,5 triệu người vay 5,7 tỷ USD, trong đó 97% là phụ nữ để mua hạt giống, vài con gà, vài con bò... để đầu tư.

Ông Anh cho biết, hiện ở Việt Nam có 3 nhóm tổ chức tín dụng mà người nghèo có thể tiếp cận được. Đó là nhóm chính thức, Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ tín dụng... có bề dày kinh nghiệm đang thu hút 50% số hộ nghèo. Song, người nghèo ở vùng sâu, vùng xa lại rất khó tiếp cận nguồn vốn này.

Do vậy, các hộ nghèo thường tìm đến các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế... với các quỹ dành cho người nghèo (nhóm bán chính thức). Ở Việt Nam hiện có khoảng 57 tổ chức đang thực hiện tín dụng vi mô thông qua các đoàn thể như Hội phụ nữ, thanh niên, công đoàn... Kết quả khảo sát của 7 tổ chức tại 60 xã cho thấy, 47% số hộ nghèo vay từ các tổ chức phi chính phủ, chỉ có 27% là vay từ Ngân hàng Chính sách.

Các tổ chức tài chính vi mô cho vay vốn đa phần theo hình thức tín dụng tiết kiệm, trả góp với các món nhỏ chỉ vài trăm nghìn đến triệu đồng, được bảo lãnh theo nhóm. Lãi suất của các tổ chức tín dụng này thường bằng hoặc nhỏ hơn so với lãi suất từ Ngân hàng NN-PTNT.

Tuy vậy, ông Nguyễn Ngọc Anh nhận xét, các tổ chức trên hoạt động còn manh mún, dàn trải, quy mô nhỏ, hoạt động không lâu dài ở Việt Nam. Trong khi đó, lượng vốn lại có hạn (chủ yếu từ sự đóng góp, tài trợ của nước ngoài) và phục vụ người rất nghèo, không nghề nghiệp, không có gì thế chấp nên không có khả năng vay vốn từ các tổ chức tín dụng thông thường.