Việt Nam đã đạt được gì sau một năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)? Việt Nam đã làm gì để có được kết quả như hôm nay?
Câu trả lời cho những vấn đề này chính là nội dung cuộc hội thảo: “Việt Nam sau một năm gia nhập WTO”, tổ chức hôm 17/12 tại Tp.HCM.
Hội thảo do Viện Kinh tế Tp.HCM và báo Doanh nhân Sài Gòn phối hợp tổ chức đã thu hút các chuyên gia kinh tế và đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn Tp.HCM cùng chia sẻ những thành tựu cũng như thách thức của một năm qua.
Đạt được những mục tiêu chủ yếu
Nguyên Trưởng đoàn đàm phán WTO của Việt Nam, ông Lương Văn Tự, cho biết: Việt Nam đã đạt được mục tiêu phát triển của mình trong năm qua sau khi trở thành thành viên của WTO. Đó là đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá ngoạn mục 8,5%, kèm theo đó là cơ hội xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thế giới nhiều hơn khi kim ngạch xuất khẩu đạt trên 48 tỷ USD cuối năm nay.
Điều mà nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại nhấn mạnh là bên cạnh những kết quả trên là sự thay đổi của môi trường pháp lý của Việt Nam. Khoảng 30 luật và pháp lệnh đã được sửa đổi cho phù hợp với các nguyên tắc và qui định của WTO và đó là nền tảng để thu hút đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân và nước ngoài.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng qua một năm tham gia WTO, Việt Nam đã bước thêm một bước vào nền kinh tế thế giới, khẳng định sự hấp dẫn của mình đối với thế giới và đặc biệt là tạo lòng tin từ cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài. Nguồn vốn FDI năm nay sẽ đạt con số kỷ lục, có thể lên đến 18-19 tỷ USD. Dù là cam kết đầu tư nhưng điều này cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, ông Doanh cho rằng những kết quả này không bằng của Trung Quốc trong năm đầu tiên trở thành thành viên của WTO về thu hút FDI và tăng trưởng xuất khẩu. Ví dụ như tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc trong năm đầu tiên đã tăng 35% trong khi của Việt Nam chỉ đạt 20%.
Liên quan đến con số lạm phát của Việt Nam (trên 10% năm 2007), các chuyên gia cho rằng đó là do tác động của WTO. Theo ông Doanh, mức độ lạm phát của Việt Nam rất cao nếu so sánh với Trung Quốc (chỉ 7,5%) trong năm đầu tiên tham gia vào WTO, và tỷ lệ này của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á như Đài Loan hay Singapore chỉ khoảng 3-4%.