Bánh, mứt, kẹo của nhiều làng nghề:Không chỉ ô nhiễm...

10:52, 24/01/2008

Xuân về, tết đến, các làng nghề làm bánh mứt kẹo truyền thống như La Phù (Hoài Đức, Hà Tây) hay Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội) cũng nóng lên từng ngày. Và tại những nơi này có nhiều hiện tượng khiến người ta lo lắng.

Trong ngoài bất nhất

Cty CP Bánh kẹo Đức Phúc Lợi là một trong những đơn vị sản xuất bánh kẹo có tiếng. Tiếp chúng tôi, Giám đốc Cty Phan Thanh Nghiêm vừa nói vừa ngáp. Thân mật khi trả lời những câu hỏi xoay quanh việc kinh doanh, nhưng thông tin đưa ra chỉ là những chuyện vô thưởng vô phạt như tài chính do bà xã quản, doanh thu hàng năm khoảng vài chục triệu…



Quan sát, chúng tôi thấy có nhiều chuyện về sản phẩm của Cty. Khi cầm bao bì kẹo trên tay so sánh với từng viên đựng bên trong thì thấy bao bì gói kẹo và giấy bọc viên kẹo có sự khác nhau. Nếu trên bao bì ghi dòng chữ: Wafer Cashew Candy thì trên giấy gói kẹo lại chỉ có một chữ Felkar? Trên bao bì ghi thành phần chế biến gồm: đường kính, mạch nha, hạt điều, bột nếp, sữa, muối, vani thì trên giấy gói lại là: sữa bột, chất tạo nhũ, axít chanh, hương liệu trái cây tổng hợp, màu thực phẩm. Ngày sản xuất và hạn sử dụng vỏn vẹn vài dấu chấm lửng, như để dành cho người sử dụng tự định? Từng lô hàng được đóng trong những chiếc thùng các-tông lem nhem vài ba dòng chữ xiêu vẹo. Nếm thử viên kẹo chỉ thấy lờ lợ...

Phơi mứt bí cạnh… bãi rác

Xuân Đỉnh (Từ Liêm) là làng có nghề truyền thống làm mứt kẹo. Ngay từ đầu làng, trước tấm biển treo cao với dòng chữ: “Làng sản xuất bánh mứt kẹo Xuân Đỉnh”, hàng chục tấm bạt ni lông phơi mứt bí đang hòa cùng với gió, bụi và ô nhiễm bởi những bãi rác xung quanh. Chưa hết, bên cạnh bãi rác gần kề, hàng chục công nhân đang ngồi gọt bí và cà rốt-công đoạn đầu tiên trong chu trình sản xuất mứt. Quy trình được thực hiện khá nhịp nhàng, nào máy xay, rồi từng thùng nhựa, rổ đựng bí được đặt ngay trên nền đất còn lem nhem nước. Công nhân không hề có bất cứ dụng cụ bảo đảm vệ sinh như găng tay, khẩu trang, tạp dề...



Liên quan đến vấn đề VSATTP, ông Dương Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh cho biết: Năm nay, xã có 54 hộ đăng ký sản xuất và kinh doanh bánh mứt tết. 100% số hộ đã cam kết thực hiện đúng các quy định về bảo đảm VSATTP đối với sản phẩm của mình. Những giấy tờ cần thiết phải có gồm: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy đăng ký đủ điều kiện VSATTP; cam đoan không sản xuất hàng nhái, kém chất lượng… Hàng tuần, UBND xã cử cán bộ y tế dự phòng và quản lý thị trường đến cơ sở kiểm tra, giám sát, xử lý những trường hợp vi phạm. Quy định là vậy mà những trường hợp sai phạm trên đây vẫn tồn tại.



Mới đây, đoàn Thanh tra Sở Y tế và Cục ATVSTP đã kiểm tra tại 3 hộ sản xuất với quy mô 30-50 tấn mứt/vụ cho thấy: Tại cơ sở sản xuất SH, những miếng mứt bí đã mốc xanh ngay khi chưa đóng gói, sản phẩm cũng không có ngày sản xuất và hạn sử dụng, việc thực hiện quy chế nhãn mác ở những cơ sở kiểm tra cũng không nghiêm túc. Đoàn đã kiên quyết yêu cầu địa phương đình chỉ sản xuất các hộ phơi nguyên liệu trên hè phố, sử dụng thùng sơn đựng nguyên liệu hoặc dùng phẩm màu ngoài danh mục cho vào sản phẩm...



Qua những điều mắt thấy, tai nghe nêu trên, mong các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra nhắc nhở, xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm. Mặt khác chính quyền địa phương cần kiên quyết và triệt để hơn trong công tác quản lý chất lượng hàng hóa, quy chế về nhãn mác và đặc biệt là VSATTP để giữ gìn thương hiệu cho làng nghề.