Theo Trung tâm Ðiều độ hệ thống điện quốc gia (Ao), hệ thống điện quốc gia năm 2008 trong tình trạng căng thẳng về cân bằng cung cầu. Vì thế Ao đang tính đến các phương án nhằm khắc phục tình trạng thiếu điện trong mùa khô.
Theo Ao, phương án cung cấp điện mùa khô năm 2008 (đã tính đến các nguồn điện mới như Nhiệt điện Uông Bí mở rộng, Thủy điện Tuyên Quang, Thủy điện Ðại Ninh, Thủy điện Quảng Trị và Nhiệt điện Cao Ngạn sẽ bổ sung cho hệ thống khoảng 3,19 tỷ kW giờ), dự kiến, thủy điện khai thác là 7,1 tỷ kW giờ, sản lượng còn lại sẽ đáp ứng từ các nguồn nhiệt điện: than, khí, mua điện Trung Quốc, dầu FO và DO.
Với phương án cơ sở do Ao đặt ra, nếu Nhà máy nhiệt điện Cà Mau 1 đưa vào vận hành từ tháng 1 đến 5-2008, thì về cơ bản hệ thống sẽ đáp ứng được nhu cầu cung cấp điện, vì sản lượng điện của Cà Mau 1 là sản lượng dự phòng cho hệ thống. Theo đó, nếu khai thác nhiều thủy điện trong các tháng đầu năm có thể dẫn đến các hồ không còn nước để phát điện trước khi lũ về. Như vậy, hệ thống sẽ thiếu điện nghiêm trọng trong suốt thời gian trước khi lũ về, nhất là đối với hệ thống điện miền bắc.
Mùa khô năm nay, dự kiến chỉ có tổ máy số 1 và 2 Nhà máy thủy điện Tuyên Quang được đưa vào vận hành trong tháng 2 và 5-2008. Do đó, hệ thống điện luôn phải nhận một lượng rất lớn điện năng từ phía nam qua đường dây 500kV, xấp xỉ 1,446 tỷ kW giờ trên tổng nhu cầu hệ thống điện miền bắc là 11,467 tỷ kW giờ vào mùa khô để duy trì mực nước hồ Hòa Bình trên mức 80m trước khi lũ về.
Do đó, để bảo đảm điện vào cuối mùa khô cách tốt nhất là thực hiện phương án giữ nước các hồ thủy điện miền bắc; cụ thể: hồ Thác Bà ở mức nước 48m (cao hơn mực nước chết 2m), hồ Hòa Bình ở mức 85m (cao hơn mực nước chết 5m) vào cuối mùa khô.
Trong 5 tháng mùa khô, khả năng phát cao nhất của nhiệt điện, thủy điện (dự kiến) mua điện Trung Quốc, có tổng sản lượng là 31,5 tỷ kW giờ. Như vậy, trong trường hợp Cà Mau 1 không đưa vào vận hành thì hệ thống sẽ thiếu sản lượng khoảng 260 triệu kW giờ. Chưa kể còn một số yếu tố không lường trước làm ảnh hưởng sự thiếu hụt về sản lượng như: tốc độ tăng trưởng phụ tải cao hơn dự kiến; xác suất sự cố các tổ máy nhiệt điện (than, khí, dầu FO và DO); lượng nước về các hồ có thể nhiều hơn hoặc ít hơn so với giả thiết tính toán. Vì vậy, sản lượng thủy điện chênh lệch khoảng 400 triệu kWgiờ.
Do phải sử dụng nước các hồ để bảo đảm cung cấp đủ điện cho nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong tháng 12- 2007, nên bước vào mùa khô năm 2008, tất cả các hồ chính của hệ thống như Hòa Bình, YaLy, Trị An, Thác Mơ đều không đạt mực nước dâng bình thường vào 1-1-2008 làm ảnh hưởng sự an toàn cung cấp điện cho mùa khô năm nay. Ngoài ra, để phục vụ đổ ải cho vụ đông-xuân 2008, mức nước hồ Hòa Bình sẽ giảm khoảng 7,5m trong ba đợt xả vào thời gian nửa cuối tháng 1-2008 và nửa đầu tháng 2-2008. Do vậy, việc khai thác các hồ chứa thủy điện trong mùa khô năm nay phụ thuộc nhiều vào tiến độ vận hành Nhiệt điện Cà Mau 1. Nếu Nhiệt điện Cà Mau 1 không vận hành trước tháng 6-2008, việc giữ mức nước các hồ chỉ cao hơn mực nước chết 2m (riêng hồ Hòa Bình là 5m), như vậy sản lượng điện sẽ thiếu trong tháng 6- 2008 (trường hợp lũ về hồ Hòa Bình chậm).
Tuy nhiên, theo EVN, sự cố các nguồn nhiệt điện có thể xảy ra do các nhà máy phải chạy rất căng thẳng trong cả năm 2007 vẫn là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện trên diện rộng nếu lũ không về trên các hồ lớn của hệ thống vào đầu tháng 6- 2008. Vì vậy, ngoài việc triển khai theo phương án bảo đảm điện cho mùa khô của EVN, thì vấn đề tiết kiệm điện cần được thực hiện nghiêm ngặt từ các cơ quan, ban, ngành đến các hộ gia đình để hạn chế thấp nhất việc cắt điện do thiếu điện.