Tại thời điểm hiện nay thị trường xe máy đang rất sôi động với nhu cầu tăng cao và nhiều mẫu xe bị "cháy" hàng do gần Tết Nguyên đán.
Mẫu xe Click của Honda tháng trước không bị thiếu hàng, giá bán ra của các đại lý còn thấp hơn giá công bố tới 500.000 đồng, đến nay cũng nằm trong tình trạng thiếu hàng, cung không đủ cầu và giá đã tăng đến 28.000.000 đồng/chiếc, cao hơn giá công bố 1.500.000 đồng.
Ngoài ra mẫu xe Wave S cũng đang "sốt", giá bên ngoài đã bị đẩy lên tới 16.000.000 đồng/chiếc trong khi giá công bố là 14.900.000 đồng.
Không chỉ có xe của Honda sản xuất tại Việt Nam bị cháy hàng mà nhiều mẫu Honda tay ga nhập khẩu cũng trong tình trạng tương tự. Trong số các dòng xe nhập khẩu có giá khoảng 30.000.000 đồng/chiếc thì Honda SCR 110 do Trung Quốc sản xuất được nhiều khách hàng lựa chọn nhất bởi giá cả phải chăng; tiết kiệm nhiên liệu; box đựng đồ rộng.
Mặt hàng này đang "cháy" vì thế giá cả cũng được tăng theo. Nếu như trước đây, loại xe này có giá bán dao động từ 30.500.000 đến 32.000.000 đồng/chiếc thì thời điểm này đã tăng thêm từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng/chiếc.
Dòng xe cao cấp nhập khẩu từ chính hãng như Honda PS, SH, Spacy… giá tăng mạnh. Mẫu xe SHi 150 màu nâu vàng muốn mua phải chờ một vài tuần với giá trên 8.000 USD. Honda SHi 150 các màu như đen, xanh, đỏ có giá trên dưới 7.500 USD. Mẫu xe Dylan mới giá đã tăng hơn 1.000 USD/chiếc so với trước, ở mức 7.700 USD/chiếc.
Công ty Yamaha Việt Nam không có mẫu xe nào bị "cháy" hàng, nhưng tiêu thụ tăng mạnh, với mức tăng trưởng tới 40% trong tháng 12/2007 và tháng 1/2008 ước tính tăng tới 45%. Thị trường bên ngoài giá 1 số mẫu xe như Nouvo và Mio có tăng nhẹ.
Các loại xe tay ga khác của nhà sản xuất SYM như Attila Victoria, Attila Elizabeth hay Hayate của Suzuki cũng xảy ra tình trạng khan hàng tại các đại lý chính thức và giá thường cao hơn từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng/chiếc so với giá công bố của nhà sản xuất.
Mặc dù nhu cầu tăng mạnh nhưng các doanh nghiệp xe máy 100% vốn trong nước vẫn đang đứng ngoài cuộc. Ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ôtô Xe máy Xe đạp Việt Nam cho biết chỉ một vài doanh nghiệp xe máy như Sufat là có tăng lượng xe tiêu thụ còn lại các doanh nghiệp khác vẫn gặp khó khăn. Những chiếc xe có giá bán 6.000.000 - 8.000.000 đồng thực sự tiêu thụ chậm.
Trong số khoảng 20 doanh nghiệp xe máy trong nước còn hoạt động thì hầu hết đều chật vật trong vấn đề tiêu thụ xe. Doanh nghiệp có sản lượng khoảng 5.000 - 10.000 xe/tháng không nhiều, chủ yếu đều ở mức 3.000 xe/tháng đổ lại. Có doanh nghiệp có tháng chỉ tiêu thụ 500 xe. Lý do là trong thời gian qua chất lượng xe máy của nhiều doanh nghiệp trong nước không được cải thiện. Bên cạnh đó việc quảng bá thương hiệu, sản phẩm cũng như phát triển hệ thống đại lý bị hạn chế, trong khi đó đời sống người dân được nâng cao, chỉ cần 11.000.000 đồng là người ta đã có thể sở hữu một chiếc xe với thương hiệu có uy tín, tên tuổi của nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó thị trường xe cũ cũng rất sôi động. Một số loại xe cũ đã tăng giá tới 1 triệu đồng/chiếc so với 2 tháng trước đây. Chẳng hạn một chiếc xe Yamaha Sirius đi từ 3-5 năm, giá bán trước đây khoảng 5.000.000 đồng, nay đã lên mức 6.000.000 đồng xe số của Suzuki hay SYM tương tự. Thị trường xe máy sẽ còn sôi động cho tới cận Tết Nguyên đán.