Trong năm 2008, thị trường thép sẽ còn hứa hẹn nhiều biến động. Giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng cao, thép trong nước vẫn phải phụ thuộc vào nguồn phôi nhập khẩu từ Trung Quốc và một số nước khác như Nga, Ucraina... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất cũng đang gặp khó khăn trong việc nhập khẩu thép phế.
Hiện nay, giá thép của một số đơn vị trong Tổng công ty Thép Việt Nam chỉ ở mức hơn 13 triệu đồng/tấn đối với các loại thép cuộn và thép cây. Giá thép của Công ty gang thép Thái Nguyên (đã tính 5% VAT) đối với thép cây là 13,65 triệu đồng/tấn và thép cuộn là 13,7 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giá bán tại các đại lý lên tới 15 - 16 triệu đồng/tấn, thậm chí có nơi bán tới 17 triệu đồng/tấn, đã gây ra sự chênh lệch lớn về giá trên thị trường thép xây dựng.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, nguyên nhân quan trọng khiến cho giá thép liên tục tăng cao là do phụ thuộc vào nguồn phôi thép nhập khẩu, đến 50% nhu cầu thép trong nước, mà phần lớn nhập từ Trung Quốc. Trong khi, giá phôi thép Trung Quốc liên tục có những biến động khó lường. Đặc biệt, để siết chặt xuất khẩu, đầu năm 2008 Trung Quốc đã chính thức nâng thuế xuất khẩu phôi thép từ 15% lên 25% và từ 10% lên 15% đối với thép thành phẩm.
Tuy nhiên, việc mua phôi thép từ Trung Quốc cũng đang rất khó khăn do nước này cắt giảm sản lượng phôi thép và thép thành phẩm nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường. Do vậy, các doanh nghiệp phải tìm mua phôi từ các nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan và các nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Ucraina thậm chí là từ Nam Phi hay Brazil. Tuy nhiên, việc mua phôi từ các nước này cũng không dễ dàng.
Cuối năm 2007, các doanh nghiệp thép đã nhập khẩu một lượng phôi dự trữ, số phôi này đủ dùng đến hết quý 1/2008. Tuy nhiên, giá phôi thép được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới và đạt mức 730 USD/tấn trong tháng đầu năm 2008 (hiện nay, công ty thép Vinakyoei đã phải mua với giá 742 USD/tấn, còn các công ty khác mua với giá trung bình khoảng 720 USD/tấn), thêm vào đó, có thông tin trong thời gian tới giá quặng sắt sẽ tăng thêm 30% và than mỡ tăng thêm 20% thì giá phôi thép sẽ tiếp tục còn tăng cao.
Theo dự tính, trong năm 2008 tổng nhu cầu phôi cho sản xuất thép vào khoảng 4,6 triệu tấn. Tuy nhiên, nguồn phôi trong nước mới chỉ đáp ứng được 2 triệu tấn, còn lại hơn 2 triệu tấn vẫn phải nhập khẩu.
Nhằm hạn chế và kiềm giá trên thị trường, các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Thép như Thép Thái Nguyên, Thép miền Nam đã buộc phải tăng giá, tuy nhiên việc tăng giá cũng hạn chế chỉ từ 100-200 nghìn đồng/tấn, nhưng giá này vẫn thấp hơn giá của các công ty ngoài (không thuộc Tổng công ty Thép) từ 500 nghìn - 1 triệu đồng/tấn.
Do biết được thông tin này, một số doanh nghiệp thương mại đã đặt hàng của hai công ty Thép Thái Nguyên và Thép miền Nam với số lượng hàng nghìn tấn và trả tiền trước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thương mại đã tích trữ tới vài vạn tấn thép đợi đợt tăng giá thép mới bán ra.
Theo một số chuyên gia trong ngành thép cho biết, với tốc độ phát triển nhanh cùng với nhu cầu xây dựng tăng cao thì nhu cầu thép của thị trường trong năm 2008 tăng khoảng 20% so với năm 2007, sẽ khiến giá thép tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Tuy nhiên, sẽ không có chuyện khan hiếm hàng, bởi các doanh nghiệp không hề giảm sản lượng mà ngược lại còn tăng lên. Theo thống kê của Hiệp hội Thép, trong mấy tháng cuối năm 2007 sản lượng thép tăng khá cao, trung bình đạt 330 nghìn tấn/tháng, nhất là trong tháng 10/2007 sản lượng thép đạt mức 380 nghìn tấn.
Ông Cường cho rằng, để giải quyết tình trạng căng thẳng về nguồn cung phôi chỉ còn cách duy nhất là đẩy mạnh sản xuất phôi trong nước. Như vậy, sẽ không những chủ động được đầu vào mà giá cũng sẽ thấp hơn nhập khẩu. Bởi lẽ, giá thành phôi sản xuất trong nước thấp hơn nhập khẩu tới 200 USD/tấn.
Tuy nhiên, hiện nay các nhà sản xuất trong nước lại đang gặp khó khăn trong nhập khẩu thép phế do chưa có quy định rõ ràng của các cơ quan chức năng. Hiệp hội thép cũng đã có kiến nghị với Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Công Thương cần có những quy định thoáng hơn các tiêu chuẩn môi trường, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất trong nước được nhập khẩu thép phế, giảm giá thành sản xuất phôi nội.