Đây là dự báo của ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép VN khi giá phôi thép nhập khẩu về Việt Nam hiện đã vọt lên 720 USD/tấn, tăng 40 – 50 USD/tấn so với cuối tháng 12/2007.
Theo ông Phạm Chí Cường, giá thép còn tiếp tục leo thang do giá thép bán ra hiện chỉ tương đương với giá phôi 670 USD/tấn. Thời gian tới khi sử dụng phôi nhập khẩu với giá mới (nếu nhập khẩu ở mức 700 USD/tấn, cộng với thuế, thì giá phôi đã là 13.500.000 đồng/tấn, chưa kể chi phí cán thép, phân phối…), như vậy giá thép sẽ còn tăng cao. Ngoài ra, nếu giá quặng sắt sắp tới tăng thêm 30% và than mỡ tăng thêm 20% thì giá phôi thép, thép sẽ còn bị đẩy lên nữa.
Thép ngoại ép thép nội
Hiệp hội Thép Việt Nam còn lo ngại, trong khi thuế xuất khẩu phôi thép của Trung Quốc tăng thêm 10% thì thép thành phẩm chỉ tăng thêm 5% điều này làm cho thép thành phẩm của Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh với thép sản xuất trong nước, nhất là với những DN phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn phôi nhập khẩu.Theo tính toán, thép cuộn trong nước sẽ không thể cạnh tranh với thép cuộn nhập khẩu từ Trung Quốc. Hiện nay mức chênh lệch giữa thép cuộn nhập khẩu từ Trung Quốc với thép sản xuất trong nước là hơn 100.000 đồng/tấn nhưng với mức thuế mới, mức chênh lệch tính ra sẽ cao hơn vào khoảng trên 200.000 đồng/tấn. Vì vậy có thể các DN trong nước sẽ giảm và ngừng sản xuất thép cuộn và mặt hàng này thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Không những thế mặt hàng thép cây cũng sẽ gặp thêm khó khăn. Thời gian qua thép cây Trung Quốc chưa thâm nhập được vào thị trường Việt Nam, nhưng nếu các DN thấy chênh lệch lớn, nhập khẩu lợi hơn sản xuất thì rất có thể lại thuê đối tác Trung Quốc gia công và gắn thương hiệu Việt Nam đưa về nước bán, đặt ngành sản xuất thép vào thế cạnh tranh căng thẳng.
Giải pháp nào?
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2007 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2008 do TCty Thép VN tổ chức vào ngày 14/1/2008 tại Hà Nội, ông Đậu Văn Hùng – Tổng giám đốc TCty nhận định: trong tình hình thị trường thép có nhiều biến động phức tạp như hiện nay, bất cứ sự thay đổi về chính sách nào của ngành thép Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đến VN. Trung Quốc đang tập trung chuyên môn hóa, xây dựng 10 tập đoàn lớn, đến năm 2010 sẽ chiếm 50% tổng sản lượng toàn ngành thép Trung Quốc và đến năm 2015 là 70%. Đến năm 2010, dự kiến Trung Quốc cũng cho đóng cửa những nhà máy tiêu hao nhiều nhiên liệu, ô nhiễm môi trường, cạnh tranh kém, với sản lượng khoảng 100 triệu tấn. Trung Quốc từ chỗ xuất siêu thép bây giờ đang chuyển hướng sang sản xuất đủ dùng, gần đây nhất cũng tranh mua phôi, thép phế liệu với các nước khác.
Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh cùng với sự lớn mạnh của cơ sở hạ tầng ở VN, dự báo, nhu cầu sử dụng thép trong năm 2008 sẽ tiếp tục cao, tăng khoảng 20% so với năm trước. Để đáp ứng nhu cầu này, TCty thép sẽ phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy luyện phôi thép, thép cán, nâng sản lượng phôi thép sản xuất trong nước đạt 900.000 tấn, thép cán đạt 2,35 triệu tấn. Đặc biệt là dự án Công ty Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, dự án liên doanh khoáng sản và luyện kim Việt Trung, dự án mở rộng nhà máy Hà Tĩnh…
TCty Thép VN cũng kiến nghị Chính phủ hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng phục vụ trực tiếp cho các dự án sản xuất thép; tạo điều kiện cho các đơn vị nhập khẩu thép phế liệu phục vụ cho sản xuất phôi thép trong nước để chủ động về nguyên liệu, nhất là trong điều kiện giá phôi thép thế giới đang tăng cao; đồng thời có chính sách thuế và rào cản kỹ thuật hợp lý tránh gây thiệt hại cho ngành thép trong quá trình hội nhập.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào cũng nhận định, ngành thép muốn chủ động được giá cả và hoạt động sản xuất, phải tăng được nguồn phôi sản xuất trong nước để đến năm 2010 không còn phải nhập khẩu; tăng đầu tư mới, đầu tư chiều sâu, đa dạng hóa sản xuất (thép xây dựng, cán tấm nguội, cán tấm nóng); áp dụng công nghệ tiên tiến, bền vững với môi trường, hiệu quả… mới có thể cạnh tranh được với thép Trung Quốc. Riêng về giá cả, các doanh nghiệp thép hiện nay đang để các đại lý thao túng, lợi dụng lúc thị trường khan hiếm, nâng giá lên. Tới đây, các doanh nghiệp phải quy định mức giá với đại lý và cho họ hưởng mức tỷ suất lợi nhuận hợp lý để ổn định thị trường giá cả.