Lợi ích từ sử dụng công-tơ điện tử

11:11, 10/01/2008

Qua nghiên cứu, kiểm định và thực tiễn cho thấy việc sử dụng công-tơ điện tử đã đem lợi nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và khách hàng. Vì vậy ngành điện cần có bước đi mạnh dạn để thay thế công-tơ cơ bằng công-tơ kỹ thuật số trên toàn hệ thống điện.



Theo số liệu từ Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN), đến nay ngành điện quản lý bán điện trực tiếp đến hơn 9,8 triệu khách hàng sử dụng điện trên toàn quốc với tổng số hơn 10 triệu công-tơ đo đếm điện. Trong đó, số lượng công-tơ cơ đã hết hạn sử dụng và phải thay thế bằng công-tơ điện tử theo chủ trương chiếm đa số.

Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến chung quanh việc thay thế các loại công-tơ cơ bằng công-tơ điện tử, song qua quá trình nghiên cứu, kiểm định và triển khai ứng dụng công-tơ điện tử trong hoạt động đo đếm kinh doanh điện năng, các chuyên gia trong lĩnh vực đo lường cũng như chế tạo thiết bị đo đếm điện năng đều không thể phủ nhận những ưu điểm, tính năng nổi trội, tính chuẩn xác và xu thế tất yếu của loại thiết bị đo đếm hiện đại.


Bước đầu, EVN đã tập trung đầu tư, thay thế các công-tơ cũ, không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật bằng các công-tơ mới đạt yêu cầu; xóa bỏ hoàn toàn tình trạng "khoán" trong sử dụng điện. Tiến tới tăng cường công tác thay thế công-tơ định kỳ đối với các công-tơ đến hạn theo quy định; đồng thời, thường xuyên kiểm tra, phúc tra để phát hiện và xử lý kịp thời sự cố bất thường của công-tơ đo đếm. Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của công-tơ để phản ánh kịp thời với nhà chế tạo nhằm cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu quản lý đặc biệt là chống lấy cắp điện.


Công tác kiểm định phương tiện đo đếm điện năng cũng được phân cấp và đầu tư phát triển tại các điện lực. Từ chỉ vài cơ sở được ủy quyền kiểm định trong năm đầu 1980, đến nay đã có 67 đơn vị kiểm định trong toàn quốc được công nhận. Tới nay, 100% số công-tơ lắp đặt cho khách hàng đều được qua kiểm định ban đầu.Việc nghiên cứu công-tơ điện tử (công-tơ kỹ thuật số) cũng đã được đặt ra từ năm 1995. Năm 1997, sau khi thử nghiệm thành công và xây dựng Quy trình kiểm định công-tơ điện tử tạm thời, hơn 2.000 công-tơ điện tử đầu tiên được mua, đăng ký mẫu và triển khai tại các đơn vị của EVN. Ðến nay, tại tất cả các vị trí đo đếm ranh giới giao nhận điện năng giữa các đơn vị Nhà máy điện, Công ty Truyền tải điện, Công ty Ðiện lực của EVN và hơn 72.000 khách hàng thuộc đối tượng áp dụng ba giá đã được lắp đặt công-tơ điện tử.

Các công-tơ này chủ yếu nhập khẩu từ các hãng sản xuất công-tơ lớn trên thế giới như Elster, Schlumberger, ADMI, Landi & Gyr... Ðây là các chủng loại công-tơ có cấp chính xác cao, được tích hợp nhiều chức năng cho phép khai thác và nâng cao độ tin cậy, tiện lợi cho trong quá trình quản lý điện năng của ngành cũng như về phía khách hàng, đem lại hiệu quả thật sự cho xã hội, khách hàng và ngành điện.


Ngoài ra, nhằm hợp lý hóa công tác kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, các đơn vị thuộc EVN đã tiến hành nghiên cứu, chế tạo và triển khai ứng dụng công-tơ điện tử 1 pha để bán cho khách hàng

Các nhà nghiên cứu trong ngành điện nhận định, bên cạnh những ưu điểm lớn của công-tơ điện cơ là độ bền, giá rẻ và dễ lắp đặt, sử dụng, cũng tồn tại những nhược điểm rất khó khắc phục là sai số và không bảo đảm độ chính xác, chỉ có một biểu giá. Trong khi công-tơ điện tử là một sản phẩm đo điện bằng các vi mạch điện tử rất phức tạp, đòi hỏi phải có độ chính xác rất cao và độ ổn định tốt theo thời gian.

Xét về mặt ứng dụng, công-tơ điện tử không chỉ khắc phục được nhược điểm của công-tơ cơ khí về cấp chính xác, mà công-tơ điện tử còn có khả năng hỗ trợ các tính năng giúp cho người quản lý bán điện quản lý tốt hơn, tránh thất thoát, lãng phí.

Có thể nói, công-tơ điện tử đã và đang khẳng định xu thế bằng các tính năng nổi trội, có khả năng đọc số liệu công-tơ từ xa, qua đó trợ giúp quá trình theo dõi, cập nhật số liệu và vận hành công-tơ, giúp các đơn vị tăng năng suất lao động, giảm tiêu cực, giảm thiểu tai nạn lao động, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.


Theo Luật Ðiện lực, công-tơ do nhà cung ứng điện cung cấp và quản lý. Các đơn vị điện lực có trách nhiệm lắp đặt, thay thế, kiểm định và quản lý các công-tơ của khách hàng. Do vậy, việc thay thế công-tơ điện cơ bằng công-tơ kỹ thuật số cũng gặp không ít vướng mắc. Về tâm lý khách hàng, do không kiểm soát được công-tơ, luôn nghi ngờ tính chân thực và sự cần thiết của việc thay thế, nên sau khi thay, nếu mức thanh toán vẫn giữ như cũ hoặc giảm thì khách hàng sẽ không thắc mắc. Ngược lại, nếu mức thanh toán tăng lên hơi bất thường, khách hàng sẽ khiếu nại. Còn về mặt kinh tế, trong lúc ngành điện đang thiếu vốn, thiếu cả nhân viên kỹ thuật, trang thiết bị hiệu chỉnh - kiểm định... thì khối lượng và kinh phí không nhỏ của việc thay thế công-tơ cơ cũ bằng công-tơ điện tử sẽ là một bài toán nan giải.

Tuy nhiên, nếu triển khai tốt và đồng bộ thì hiệu quả mang lại cũng lớn hơn nhiều so với chi phí bỏ ra. Chẳng hạn, có thể giảm hàng trăm lao động ở đội ngũ ghi chữ của mỗi công ty điện lực; giảm tổn thất khoảng 3 đến 4%, đây là con số điện năng rất lớn so với chi phí thực hiện; có đủ cơ sở tin cậy để đánh giá, phân tích chỉ tiêu tài chính chính xác, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; đồng thời tính chính xác trong đo đếm điện năng cũng là cơ sở nâng cao niềm tin của khách hàng.

Ðể đạt được hiệu quả như đã phân tích ở trên thì vấn đề cơ bản là phải có một bước đi mạnh dạn trong việc thay thế dần công-tơ cơ bằng công-tơ kỹ thuật số trên toàn hệ thống điện.