Năm của đường cao tốc

11:10, 06/01/2008

Theo Bộ Giao thông Vận tải, 2008 sẽ là năm mà bộ mặt giao thông đường bộ Việt Nam sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ về chất, khi có thêm hàng loạt những dự án xây dựng đường cao tốc được khởi công, một loạt dự án khác được đẩy mạnh thi công cũng như gấp rút hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Trên trục dọc Bắc- Nam, đáng chú ý là đoạn Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây sau khi ký Hiệp định khoản vay hỗ trợ kỹ thuật đã dự kiến khởi công vào quý 4/2008 với thiết kế cao tốc loại A, 4-6 làn xe, thời gian triển khai từ 2008-2012, tổng mức đầu tư 620 triệu USD, hình thức đầu tư thu phí hoàn vốn. Nằm trong chương trình 2 hành lang và 1 vành đai kinh tế Việt - Trung, giai đoạn 1 dự án đường bộ cao tốc tuyến Hà Nội - Lào Cai dài 245 km, quy mô 2-4 làn xe, tổng vốn đầu tư 1.249 triệu USD cũng sẽ được khởi công vào tháng 8/2008 theo hình thức thu phí hoàn vốn, dự kiến hoàn thành vào 2012.

Tuyến Hà Nội - Hải Phòng dài 100km, 6 làn xe toàn tuyến, vốn đầu tư 1.250 triệu USD, đầu tư theo hình thức BOT sau khi được Chính phủ chấp thuận cơ chế đặc biệt cũng phấn đấu tháng 5/2008 khởi công, tháng 8 thi công đồng loạt để hoàn thành vào năm 2011. Trong khi đó, dự án đường cao tốc đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 1 dài 50km, quy mô 4 làn xe đã hoàn thành khối lượng hơn 20%, vốn đầu tư 470 triệu USD đã giải ngân được 761 tỷ đồng, năm 2008 sẽ được đẩy mạnh triển khai với 1.000 tỷ đồng ngân sách Nhà nước cấp và 400 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ.

Dự án đường cao tốc Tp.HCM - Trung Lương trị giá 620 triệu USD đã hoàn thành 65% khối lượng công việc và đảm bảo hoàn thành trong năm 2009 để đi vào khai thác tuyến cao tốc loại A, 4-6 làn xe dưới hình thức thu phí hoàn vốn đầu tiên của Việt Nam. Năm 2008 ngành Giao thông sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai hàng loạt các dự án cao tốc khác: đường Ninh Bình - Thanh Hóa (115km, 6 làn xe, vốn 529 triệu USD, hình thức đầu tư BOT), đoạn Thanh Hóa -Hà Tĩnh (115km, 6 làn xe, 600 triệu USD, BOT), đoạn Dầu Giây - Phan Thiết (200km, 4-6 làn xe, 1.700 triệu USD, BOT) sẽ phê duyệt đề xuất dự án trong quý 1; đoạn Đà Nẵng - Quãng Ngãi (125km, 4-6 làn xe, 1.103 triệu USD, NSNN) đã lập xong dự án đầu tư và đưa vào danh sách ngắn dự án JBIC; đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ (82km, 4-6 làn xe, 600 triệu USD, BOT), tuyến Bắc Ninh - Lạng Sơn (140km, 6 làn xe, 1.400 triệu USD, BOT) cũng chuẩn bị xong xuất dự án hoặc xây dựng cơ chế đặc thù để triển khai. Để thực hiện khối lượng công việc quy mô lớn và hiện đại này, các chủ đầu tư đang kiến nghị một số chính sách nhằm hài hòa hóa thủ tục đấu thầu giữa các nhà tài trợ và phía Việt Nam, cho phép áp dụng linh hoạt các hình thức đầu tư đối với một số dự án đặc thù, đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng bằng việc cho phép chỉ định thầu thực hiện các công việc tái định cư, di chuyển công trình công cộng.