Vừa bước vào năm mới 2008, các công ty trong nước đã thông báo tăng giá bán lẻ gas cùng lúc với giá dầu và giá vàng thế giới tăng vùn vụt, giá nhiều loại nguyên liệu cũng tiếp tục leo thang. "Mặt bằng giá mới" trong năm 2008 theo dự báo của các chuyên gia đã đến từ rất sớm.
Cũng trong cơn bão giá, vàng trên thị trường thế giới đã phá vỡ mức giá kỷ lục 850 USD/ounce đứng vững gần 3 thập kỷ qua, tăng lên mức hơn 860 USD/ounce ngày 2/1. Giá vàng trong nước ngay lập tức cũng đã lập kỷ lục hơn 16,6 triệu đồng/lượng. Tuy giá tăng mạnh nhưng các cửa hàng kinh doanh vàng bạc mua vào nhiều hơn bán ra. Riêng Tổng công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) mua vào hơn 9.000 lượng vàng SJC và bán ra chỉ có 3.000 lượng.
Giá dầu vốn đã ở mức cao, nay lại tiếp tục tăng kéo theo giá nguyên liệu đầu vào đang tăng mạnh, khiến nhiều doanh nghiệp mấp mé lỗ. Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc Công ty Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina), cho biết gần đây, giá cao su tổng hợp tăng rất mạnh do ảnh hưởng bởi giá dầu thô, hiện đứng ở mức 2.400 USD/tấn, tăng tới 20% so với mức bình quân năm 2006. Casumina đã tìm mọi cách tiết giảm chi phí và đang phải gồng mình để ghìm giữ giá. Nếu giá nguyên liệu trong thời gian ngắn không có dấu hiệu giảm, Casumina sẽ phải tăng giá bán khoảng 3%-5%.
Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng phòng Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, bước vào năm 2008, khoảng cách giữa giá hàng hóa thế giới và trong nước đã không còn. Việt Nam cũng đang tiến gần đến việc thả nổi giá nhiều mặt hàng theo giá thế giới. Cách tốt nhất là doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt, phán đoán giá để tránh bị ảnh hưởng lớn.
Theo ông Huỳnh, Việt Nam còn phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, nên cần phải có sự hợp sức giữa các doanh nghiệp, có tài chính và nhân lực đủ mạnh để nhập các đơn hàng lớn theo định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm mới có thể ổn định giá thành phẩm./.