Giá vàng trong nước sáng nay (23/1) hồi phục, với mức tăng khá mạnh là 43.000 đồng/chỉ so với sáng qua. Giá vàng thế giới đã trở lại với mốc 890 USD/oz.
Giá vàng tăng mạnh hôm nay là kết quả của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 22/1 thực hiện việc cắt giảm khẩn cấp lãi suất đồng USD thêm 0,75% từ mức 5,25% xuống mức 3,5% để cứu nền kinh tế nước này trước nguy cơ suy thoái cận kề, đẩy giá USD trở lại với xu thế mất giá so với Euro và gia tăng áp lực lạm phát tại Mỹ.
Ngay sau quyết định của FED, giá vàng có vẻ như đang rơi tự do bỗng khựng lại và bật lên. Đến cuối ngày giao dịch hôm qua tại thị trường New York (tức rạng sáng nay theo giờ Việt Nam), giá vàng giao kỳ hạn tháng 2/2008 tăng 8,60 USD/oz so với mức giá chốt phiên cuối tuần trước, tương đương 1%, đóng cửa ở 890,3 USD/oz. Trước khi FED ra quyết định, có lúc giá vàng sụt xuống ngưỡng 849,5 USD/oz.
Giá vàng giao ngay cũng tăng thêm 7,90 USD/oz, tương đương 0,9%, đóng cửa ở mức 890,5 USD/oz.
Ngay lập tức, giá vàng trong nước đầu giờ sáng nay được điều chỉnh lên mức 1.713.000 đồng/chỉ (mua vào) và 1.723.000 đồng/chỉ (bán ra), tăng 43.000 đồng/chỉ so với sáng qua.
Giá vàng thế giới hôm nay giảm nhẹ. Giá vàng kỳ hạn tại New York lúc 11 giờ trưa nay theo giờ Việt Nam giảm 3,5 USD/oz, xuống còn 886,80 USD/oz. Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á cũng giảm 4 USD/oz, xuống 886,5 USD/oz.
USD mất giá mạnh
Lúc chốt lại ngày giao dịch hôm qua tại thị trường Mỹ, đồng USD mất giá 1,4% so với “người bạn” Euro, xuống còn 1 Euro đổi được 1,629 USD, chấm dứt chuỗi mấy ngày phục hồi vừa qua. Đây là mức mất giá trong ngày mạnh nhất của USD so với Euro kể từ tháng 1/2006. Sáng nay tại thị trường châu Á, USD tiếp tục giảm giá nhẹ so với Euro, với 1 Euro tương đương 1,634 USD.
Theo giới chuyên môn, thị trường coi động thái cắt giảm lãi suất bất ngờ của FED là bằng chứng cho thấy về mức độ nguy hiểm mà kinh tế Mỹ đang phải đối mặt, đồng thời đồng nghĩa với áp lực lạm phát gia tăng. Những yếu tố này rất có lợi cho giá vàng. Nhiều nhà quan sát còn dự báo rằng, vào cuộc họp ngày 30/1 tới đây, FED sẽ còn cắt giảm lãi suất USD thêm 0,25% - điều mà cách đây một tuần không ai có thể nghĩ tới.
Dầu không thể “gượng dậy”?
Trước khi FED cắt giảm lãi suất, giá dầu thô ngọt nhẹ kỳ hạn tại thị trường Mỹ có lúc tụt xuống ngưỡng 85 USD/thùng. Tuy nhiên, sau đó, giá dầu dần hồi phục và đóng cửa ngày giao dịch ở mức 89,21 USD/thùng, vẫn thấp hơn 71 cent/thùng, tức 0,8% so với phiên liền trước. Sang sáng nay theo giờ Việt Nam, giá dầu tại Mỹ tiếp tục giảm nhẹ.
Còn tại London, giá dầu thô Brent đóng cửa ngày hôm qua là 88,45 USD/thùng, tăng 94 cent/thùng, tương đương 1,1% so với phiên trước đó. Sáng nay, giá dầu tại London cũng giảm nhẹ.
Như vậy, động thái của FED vẫn chưa đủ để khiến giá dầu thế giới có thể “bật” trở lại. Sự lo ngại sâu sắc của thị trường về việc “trận ốm” khó chữa của kinh tế Mỹ sẽ khiến đầu tàu này bớt “ăn” dầu hơn, đẩy nhu cầu dầu thế giới đi xuống, làm giá dầu khó khăn hơn trong việc lấy lại “phong độ” như những ngày đầu năm.
Tình hình trên thị trường việc làm của Mỹ cũng khiến giới đầu tư thêm lo lắng. Yahoo vừa cho biết, công ty này có thể sẽ phải cắt giảm 14.000 nhân công để cắt giảm chi phí trong bối cảnh kinh tế tăng chậm lại. Giới quan sát dự báo, sắp tới sẽ còn có nhiều đợt cắt giảm nhân lực nữa tại các doanh nghiệp khác của Mỹ.
Ngày mai, Bộ Năng lượng Mỹ sẽ công bố báo cáo hàng tuần về dự trữ năng lượng của nước này. Dự báo, dự trữ dầu thô của Mỹ sẽ tăng tuần thứ hai liên tiếp, với mức tăng 1,5 triệu thùng.