Thái Nguyên: Hiệu quả ô mẫu chăn nuôi bò nhốt ở Đại Từ

16:08, 13/01/2008

Xây dựng ô mẫu "Chăn nuôi bò nhốt kết hợp với chăn thả hộ gia đình" được huyện Đại Từ xác định là một trong những giải pháp thực hiện định hướng phát triển chăn nuôi của huyện, nhằm tạo được các mô hình chăn nuôi có hiệu quả, cải tạo đàn bò nái theo hướng lai sind…

Chăn nuôi bò không phải là một nghề mới đối với nông dân huyện Đại Từ, đã có nhiều hộ ở các xã như: Vạn Thọ, Cát Nê, Quân Chu… nuôi đến vài chục con, nhưng hiệu quả đạt được lại rất thấp vì đa phần các hộ nuôi theo hướng chăn thả tự do, không được đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn bò còi cọc, chậm lớn, dễ mắc bệnh… nên nhiều hộ đã phải từ bỏ nghề nuôi bò. Chuyển sang nuôi bò nhốt vừa giảm được sức lao động, hiệu quả kinh tế lại cao gấp 3- 4 lần nuôi bò chăn thả.

Tuy nhiên, để thay đổi phương thức chăn nuôi cũ vốn đã ăn sâu bén rễ trong tư duy của người nông dân là điều không đơn giản, chưa kể đến việc đầu tư ban đầu, đòi hỏi người nông dân phải có vốn, có kỹ thuật, xây dựng chuồng trại và dành quỹ đất để trồng cỏ làm thức ăn cho bò… Xác định được những khó khăn, trước khi đưa vào phát triển đại trà, huyện Đại Từ đã xây dựng ô mẫu thí điểm với các bước tiến hành khá bài bản và chặt chẽ. Tập trung chỉ đạo xây dưng ô mẫu tại 4 xã: Hùng Sơn, Khôi Kỳ, Bình Thuận, Bản Ngoại như điều tra chọn hộ, tập huấn cho các hộ nông dân tham gia mô hình về kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng bò nhốt, trồng cỏ và chế biến thức ăn dự trữ cho đàn bò. Bám sát các giải pháp kỹ thuật như tổ chức cho nông dân mua bò đực lai Sind tại Đông Anh (Hà Nội), Ba Vì (Hà Tây), mua bò cái tại Sơn Dương (Tuyên Quang)… Xây dựng quy trình về chăn nuôi chế biến thức ăn, phòng chống rét cho bò vào mùa đông. Phối hợp với Trạm Thú y theo dõi tình hình dịch bệnh và phòng dịch trên đàn bò. Đôn đốc các xã cử ra chủ Dự án của cơ sở, tổ chức tập huấn kỹ thuật, lập hồ sơ vay vốn. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách- Xã hội huyện ra công văn hướng dẫn về việc sử dụng vốn vay để phát triển đàn bò. Đưa 2 giống cỏ Voi và Ghi nê vào trồng làm nguồn thức ăn cho bò. Đã có 13,5 ha cỏ được trồng tại 4 xã dự án, và đã cho thu hoạch.

Sau 2 năm thực hiện ô mẫu, đến nay, tổng số đàn bò ở 4 xã là 369 con (ban đầu có 93 con), tăng cơ học 209 con, tăng sinh học 69 con, số đàn bò bán đi là 85 con, chết 10 con; số bê đẻ ra đạt 97% là bê lai Sind. Đàn bò được đánh giá là phát triển tốt, đã có nhiều hộ đạt hiệu quả rõ rệt như hộ nhà ông Nghinh, ông Khánh ở xã Khôi Kỳ; ông Khang, ông Yên ở xã Bình Thuận; ông Sơn, ông Thắng ở xã Hùng Sơn…

Ô mẫu đã có tác động tích cực làm thay đổi tập quán chăn thả tự do chuyển sang nuôi nhốt đồng thời đưa được tiến bộ KHKT vào chăm sóc, nuôi dưỡng bò sinh sản, nông dân đã biết tận dụng diện tích đất đồi bãi để trồng cỏ, chế biến thức ăn dự trữ cho bò… góp phần tạo nghề bền vững, xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, từ mô hình ô mẫu cũng vẫn còn có những tồn tại cần khắc phục như nhiều hộ nông dân chưa thiết tha với việc chăn nuôi bò nhốt; tốc độ phát triển đàn bò trong các xã thực hiện mô hình còn chậm, đến tháng 9-2007 chỉ bằng 45% so với kế hoạch năm và bằng 16,5% chỉ tiêu đàn bò đến năm 2010; công tác chỉ đạo của 4 xã trong việc sử dụng vốn vay để phát triển chăn nuôi bò chưa được chú trọng đúng mức…