Những năm gần đây, huyện Phổ Yên luôn khuyến khích người dân đầu tư phát triển chăn nuôi thuỷ sản, nhằm khai thác có hiệu quả gần 400ha mặt nước. Thông qua các chương trình, dự án, huyện định hướng cho người dân địa phương lựa chọn đưa những giống cá phù hợp có tiềm năng, năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào chăn nuôi.
Trước đõy, nghề nuôi trồng thuỷ sản ở Phổ Yên tuy có bước phát triển nhưng còn manh mún, nhỏ lẻ. Người dân nuôi trồng thuỷ sản chủ yếu dưới hình thức quảng canh và bán thâm canh, sản lượng chỉ đạt từ 1-2 tấn/ha. Do vậy, việc khai thác diện tích mặt nước ao, hồ, đầm, ruộng có khả năng nuôi cá kết hợp sản xuất lúa còn hạn chế.
Năm 2005, tỷ trọng ngành chăn nuôi thuỷ sản chỉ chiếm 25% trong nội ngành nông nghiệp, trong khi ngành trồng trọt chiếm tới 70%. Trước thực trạng đó, từ năm 2005 đến nay, để định hướng cho các hộ dân đầu tư nuôi trồng thuỷ sản, huyện Phổ Yên xây dựng một số chương trình, dự án như: Các mô hình trình diễn thâm canh nuôi cá tổng hợp (cá trắm, cá trôi, cá chép…) với tổng diện tích trên 1ha cho 8 hộ dân ở các xã Đồng Tiến, Đông Cao, Tân Hương, Tiên Phong, Đắc Sơn, Vạn Phái tham gia; mô hình nuôi cá kết hợp sản xuất lúa với diện tích 2,5 ha ở Tân Hương, Trung Thành; dự án chăn nuôi cá lóc bông quy mô hộ; kết hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản I nuôi thử nghiệm và đưa vào chăn nuôi trên diện rộng cá rô phi dòng Gift; phối hợp với Trung tâm Thuỷ sản thực hiện mô hình thâm canh nuôi ba ba Thái Lan… trên địa bàn.
Anh Đồng Văn Thao, xóm Việt Hùng, xã Đông Cao, một trong những hộ tham gia mô hình nuôi cá lóc bông cho biết: Ngay từ mẻ lưới đầu tiên, gia đình anh đã thu được gần 3 tạ cá thương phẩm với giá bán buôn tại nhà là 37.000 đồng/kg. Với diện tích 400 m2 mặt nước ao, gia đình anh nuôi 1.000 con cá lóc giống, tỷ lệ sống đạt khoảng 90%. Đây là giống cá mới được đưa vào nuôi ở địa phương nên bước đầu cũng gặp khó khăn. Nhờ cán bộ Trạm khuyến nông huyện tận tình hướng dẫn, chuyển giao KHKT nên người dân rất yên tâm. Sau hơn sáu tháng chăn nuôi, ngoài phần hỗ trợ của chương trình gồm 40% giá giống, 20% thức ăn, gia đình anh Thao còn đầu tư 14 triệu đồng để chăn nuôi có hiệu quả. Đến lúc thu hoạch, trọng lượng bình quân của cá lóc bông đạt khoảng 1 kg/con, thu lãi trên 10 triệu đồng.
Ngoài ra, một số mô hình nuôi cá rô phi dòng Gift quy mô hộ gia đình tại các xã Đông Cao, Tân Hương, Đồng Tiến cho sản lượng đạt trên 10 tấn/ha; mô hình nuôi cá tổng hợp đạt từ 5-7 tấn/ha; mô hình nuôi cá kết hợp sản xuất lúa đạt trên 4 tấn/ha… Từ việc thực hiện các chương trình, dự án do huyện triển khai, năm 2007, ngành nuôi trồng thuỷ sản của Phổ Yên đạt tổng sản lượng 8,6 tấn, giá trị kinh tế thu được tăng 17-18% so với năm 2006. Nhiều hộ gia đình đạt mức thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Từ thực tế trên, nhận thức của người dân cũng từng bước thay đổi trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, xoá đói giảm nghèo ở địa phương. Kết thúc năm 2007, nuôi trồng thuỷ sản đã góp phần đưa tỷ trọng ngành chăn nuôi lên 37% trong cơ cấu nội ngành nông nghiệp, tỷ trọng ngành trồng trọt giảm xuống còn 50%.
Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế của ngành nuôi trồng thuỷ sản ở địa phương vẫn chỉ dừng lại ở việc thực hiện các mô hình. Anh Phạm Văn Hà, Trạm phó Trạm Khuyến nông cho biết: Để nghề nuôi trồng thuỷ sản ở Phổ Yên phát triển tương xứng với tiềm năng, đề nghị các cấp, các ngành liên quan tạo điều kiện quy hoạch vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung của địa phương; thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa để người dân có điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang nuôi trồng thuỷ sản; đồng thời có chính sách trợ giá cho một số giống cá khác và có chính sách về vốn vay ưu đãi cho các hộ chăn nuôi thủy sản theo quy mô trang trại…