Nhìn lại thị trường Tết Mậu Tý vừa qua, điểm đáng chú ý nhất là sức mua tăng rất mạnh, đặc biệt trong những ngày giáp tết (tăng khoảng 150-200% so với ngày thường). Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ xã hội tháng 1-2008 đạt 75,9 tỷ đồng (tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2007). Riêng Hà Nội và TP HCM đạt 24,4 tỷ đồng (chiếm gần 32,1% tổng mức bán lẻ của cả nước).
Tại Hà Nội, các DN phân phối lớn của thành phố đều chủ động lên kế hoạch sớm chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết. Tổng công ty Thương mại Hà Nội dự trữ 240 tấn thịt các loại, 800 tấn thực phẩm chế biến, 100 tấn rau, 200 tấn bánh mứt kẹo. Ngoài ra, đơn vị này cũng dự trữ 1,1 triệu chai bia, rượu, nước ngọt các loại; 600 tấn dầu ăn, 65 tấn mì chính, 160 tấn đường, 22.500 tút thuốc lá. Tổng công ty Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội chuẩn bị 51 triệu lít bia, tăng 30% so với dịp tết năm 2007, 4,8 triệu lít rượu tăng 51,2% so với cùng kỳ năm trước. Công ty cổ phần Phúc Thịnh, Xí nghiệp kinh doanh gia súc gia cầm và chế biến thực phẩm dự trữ 360 tấn thị lợn sạch, 260 tấn thịt gia cầm an toàn, 1.000.000 quả trứng gà sạch. Các siêu thị lớn: Hapro, Metro, Big C, Intimex, Fivimart... đều dự trữ đầy đủ các loại hàng thiết yếu phục vụ tết với tổng tiền hàng khoảng 400 tỷ đồng, tăng trên 20% so với dự trữ cùng kỳ năm 2007 và quý I-2007. Để kiềm chế tăng giá và bình ổn giá thị trường trong dịp Tết Mậu Tý, UBND thành phố Hà Nội đã dành 50 tỷ đồng từ ngân sách thành phố cho DN đầu mối vay không tính lãi (thời gian từ tháng 1 đến tháng 3-2008) để dự trữ giò lụa, thịt lợn và thịt gà.
Tại TP HCM, UBND thành phố đã chọn ra 6 đơn vị có uy tín, kinh nghiệm từng tham gia các năm trước trong phục vụ hàng hóa tết để giao nhiệm vụ dự trữ và cung ứng hàng tết. Đó là Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Công ty Thực phẩm công nghệ Sài Gòn, Liên hiệp HTX thành phố (Saigon Coop), Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty Thương mại thực phẩm Phú An Sinh và Công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ. Thành phố cũng đã ứng ra 400 tỷ đồng cho các DN này thêm kinh phí dự trữ hàng tết (lãi suất 0%).
Có thể nói trong cuộc chiến hạ nhiệt giá tiêu dùng trong dịp tết cổ truyền vừa qua, nhiều DN đã vào cuộc với tinh thần rất tích cực và trách nhiệm. Tuy nhiên, vấn đề nổi lên của nhiều DN là: trong bối cảnh giá cả leo thang, chủ động phòng ngừa trước những đợt tăng giá mới, Nhà nước phải có các chính sách để hỗ trợ DN trong việc bình ổn giá. Đại diện một DN cho biết, do nguồn vốn của công ty có hạn, chỉ đủ khả năng dự trữ một phần nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng hóa tết, trong khi đó nhiều nguyên liệu đầu vào đang tăng giá liên tục, vì vậy nếu được hỗ trợ vốn vay sớm thì DN mới có thể thu mua nguyên liệu sớm để hạ thấp giá thành qua đó mới có thể giữ giá sản phẩm của mình.
Nếu theo tính toán của Sở Thương mại Hà Nội với tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Hà Nội trong tháng tết tăng trên 20% so với Tết Đinh Hợi năm 2007, thì số tiền tương đương với lượng hàng sẽ vào khoảng 6.500 tỷ đồng. Rõ ràng nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, các DN khó có thể bỏ một khoản tiền lớn như vậy cho việc dự trữ hàng với cam kết không tăng giá. Tết năm nay, Hà Nội đã có chủ trương thành lập quỹ hỗ trợ bình ổn giá, cho các DN vay vốn tích trữ hàng hóa với số lượng, chất lượng đảm bảo. Nguồn tiền này dành cho các DN đầu mối trên địa bàn Hà Nội vay lãi suất ưu đãi hoặc không tính lãi để trữ hàng trong dịp Tết Mậu Tý.
Theo đề xuất của một số DN, để có thể bình ổn thị trường, giá cả các mặt hàng trọng yếu trong dịp tết, bên cạnh việc tăng cường kiểm soát giá cả thị trường tự do, kiểm tra việc niêm yết giá bán, các cơ quan chức năng cần có các chính sách hỗ trợ DN thông qua việc chuẩn bị lượng hàng hóa và tài chính cung ứng cho các nhà sản xuất để đáp ứng được giá thành ổn định. Chẳng hạn như rút ngắn thời gian hoàn thuế VAT, giãn thời gian nộp thuế VAT và thuế nhập khẩu khi nhập khẩu hàng hóa, linh hoạt trong phê duyệt bù trừ VAT giữa các DN... Đại diện một DN cho biết: “Một trong những chính sách hỗ trợ thiết thực nhất cho các nhà phân phối là hỗ trợ vốn cho các DN vay với lãi suất thấp hoặc bằng 0 để các DN giảm giá thành, chủ động dự trữ hàng hóa từ rất sớm để tránh đột biến khan hiếm hàng hóa...”.
Dự báo diễn biến thị trường vẫn còn nhiều phức tạp, tuy không khẳng định chắc chắn về việc sẽ hình thành mặt bằng giá mới ăn theo sau những đột biến về giá cả sau tết, nhưng cũng không loại trừ khả năng này do Việt Nam hiện đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, do vậy sẽ chịu tác động rất lớn từ những “cú sốc” kinh tế thị trường. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế đang nhấn mạnh đến vai trò của DN và nhấn mạnh rằng cần xem DN là một công cụ quan trọng của Nhà nước để bình ổn giá. Thực tế một số nước trên thế giới đã sử dụng công cụ dự trữ quốc gia để ổn định thị trường. Chẳng hạn ở Nhật Bản, Mỹ, xăng dầu có thể dự trữ 90-100 ngày, Trung Quốc cũng có nguồn dự trữ thép, bông... Đối với Việt Nam, tiềm năng kinh tế chưa cho phép chúng ta hóa giải tình hình căng thẳng, gay gắt về giá cả. Vì vậy, theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, chúng ta không chỉ sử dụng công cụ hành chính là giảm thuế, mà còn phải sử dụng đến công cụ quan trọng khác là DN.
Một thông tin đáng chú ý là từ thành công của việc các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chủ động giúp đỡ DN về tài chính chuẩn bị hàng hóa, góp phần hạn chế tăng giá trong dịp Tết Mậu Tý, một cơ chế “khẩn cấp” để bình ổn thị trường mỗi khi có biến động mạnh về quan hệ cung-cầu đang được các bộ, ngành chức năng khẩn trương nghiên cứu ban hành.
Từ mô hình này, tổ điều hành thị trường trong nước đang nghiên cứu để kiến nghị các Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công thương đánh giá lại cơ chế hỗ trợ tài chính giúp ổn định thị trường trong dịp tết vừa qua, trên cơ sở đó hình thành cơ chế “khẩn cấp” để áp dụng trong một số trường hợp. Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại trong nước (Bộ Công thương), ông Hoàng Thọ Xuân khẳng định cơ chế “khẩn cấp” này không phải là hình thức bù giá hay trợ cấp mà sẽ được thực hiện theo phương thức đấu thầu hoặc Nhà nước đặt hàng DN. Theo đó, Nhà nước sẽ cấp vốn hoặc tạo điều kiện về cơ chế xuất nhập khẩu để DN có điều kiện khai thác quỹ hàng hóa đủ lớn, đáp ứng được nhu cầu thị trường với hướng ưu tiên là bình ổn giá. Đây có thể xem là một tín hiệu mới và giải pháp tích cực để huy động và trân trọng vị thế của DN trong cuộc chiến hạ nhiệt giá tiêu dùng.