Đi chợ cuối năm ở T.P Thái Nguyên: Chóng mặt vì tăng giá

09:19, 03/02/2008

Lần đầu có chợ khang trang, đẹp đẽ, lại có siêu thị lớn nhất vùng Đông Bắc, người nội trợ thành phố háo hức đi chợ. Tuy nhiên, nỗi buồn lại ập đến ngay sau đó bởi giá các mặt hàng cần thiết tăng đến mức chóng mặt.

Chẳng nem công chả phượng gì, để có bữa cơm truyền thống cho 3 ngày Tết cũng phải có trong tay tiền triệu, bởi giá đã tăng so với cùng kỳ năm 2007 từ 1,5 đến 2 lần: Hạt bí 70.000đ/kg (tăng 20.000đ), thịt lợn mông sấn 60.000đ/kg (tăng 20.000đ); thịt bò: 100.000kg (tăng 30.000đ); bánh chưng loại nhỏ 10.000đ/chiếc (tăng 4.000đ); dầu ăn 30.000đ/lít, tăng 15.000đ. Các mặt hàng khác cũng đua nhau lên giá, nải chuối xanh 15 quả (để bày bàn thờ) người bán "hét" 70.000đ, mặc cả rát lưỡi cũng không đồng ý bán với giá 50.000 (năm trước nải chuối đẹp nhất khoảng 30.000đ), doi đỏ (ăn không ngon, chỉ bày cho đẹp) cũng có giá 20.000đ/kg (tăng 10.000đ).

Hoa tươi năm nay cũng không nằm ngoài cơn bão tăng giá: 1 cành Ly giá 70 nghìn đồng; lay ơn loại đẹp 9-10 nghìn đồng/cành, cúc vàng 4 nghìn đồng/bông; hồng Đà Lạt 3-5 nghìn đồng/bông, tăng 40-50% so với Tết năm trước. Để có một lọ hoa vừa mắt bày phòng khách ít nhất phải chi từ 200-300 nghìn đồng.

Đặc biệt, đào cành năm nay đắt gấp đôi năm trước. Đã 27 Tết nhưng chợ đào vẫn thưa thớt vì hàng về không nhiều. Có 3 nguồn đào chính có mặt tại Quảng trường 20-8 là từ Hà Nội lên, các huyện (chủ yếu là huyện Đồng Hỷ) và người đi kiếm đào cành từ các nhà dân ở vùng sâu về. Phân biệt rõ nhất 3 nguồn đào nói trên căn cứ vào dáng cây.

Đào bích, màu đỏ thẫm, cây thấp, dáng uốn éo cầu kỳ thường mang từ Hà Nội lên. Ngọc- cậu thanh niên năm nào cũng có mặt ở chợ hoa Thái Nguyên cho biết cây đào cao khoảng 1 mét, có dăm ba bông đã nở cậu bày bán có giá 150.000đ. - Năm ngoái cây này mua vào 5 chục, bán ra khoảng 7 chục. Nhưng năm nay rét quá, đào không làm nụ được, những cây có nụ trắng như thế này không nhiều. Nếu chị "kết" thì mang về để trong nhà ấm, tưới nước nóng, hoa sẽ nở. Nói thật, năm nay đào hiếm lắm, không mua bây giờ, 30 Tết không còn đào mà mua đâu.

Chị Tân ở Hoá Thượng (Đồng Hỷ) mời tôi mua cây đào gốc to, cành sum suê với giá 600 nghìn đồng. Chỉ một cây khác đã buộc gọn ghẽ lên xe máy cho chồng chuẩn bị đèo đi, chị bảo: -Cây này năm ngoái em cho thuê từ 25 đến mùng 10 Tết giá 170 nghìn, năm nay em cũng cho thuê, giá 270 nghìn. Thấy tôi chê đắt, chị buồn buồn: Nói thật với chị ươm 200 gốc đào còn sống 20 cây mang ra chợ thôi. Thuê 500 nghìn đồng chỗ ngồi rồi, chẳng còn bao nhiêu cho Tết.

Khu vực trước Vườn hoa Sông Cầu là nơi bán đào "du kích" của mấy người vào rừng mua của dân bản ra bán. Thuỷ, ông nông dân 51 tuổi nhà ở thị trấn Sông Cầu chỉ chiếc xe máy Tàu bê bết bùn đất để minh chứng cho hành trình vất vả của cành đào: Tôi lên tận Bắc Sơn (Lạng Sơn), từ đường cái rẽ vào 2 chục cây nữa, mua tận vườn của đồng bào là 100 nghìn rồi, trừ xăng xe, chi phí dọc đường, 2 cành này lãi khoảng 100 nghìn, mỗi ngày làm 1 chuyến chở được 2 cành.
- Anh làm việc này lâu chưa?
- Chục năm rồi. Nhưng giờ già yếu, không đi được xa nữa.
- Mỗi vụ tết kiếm được bao nhiêu anh?
- Khoảng 5 trăm, năm nay đào đắt chắc được khoảng 1 triệu, nhưng giá cả thế này cũng chỉ bằng năm ngoái. Chỉ công chức như các chị là sướng thôi, giá lên thì lương lên, còn nông dân chúng tôi khổ lắm.

Chợ Tết vẫn đông nhưng kém vui vì tăng giá. Tôi muốn nói với anh Thuỷ rằng: Công chức chúng tôi cũng chả sung sướng gì, vì phần lương tăng không bù đắp được giá lên như vũ bão. Phiên chợ giáp Tết này càng thấm thía hơn điều đó.