Họ vẫn cứ giàu lên nhờ cổ phiếu, ngay cả khi thị trường sa sút, nhà đầu tư ở khắp trong Nam ngoài Bắc, ai cũng "méo mặt" dù đang giữ cổ phiếu gì...
CTCP chứng khoán Sài Gòn (mã chứng khoán SSI) quyết định mức trích quỹ khen thưởng - phúc lợi của Cty năm 2007 lên đến 200 tỷ đồng và ngay lập tức, xung quanh vấn đề này một số ý kiến cho rằng mức thưởng này là không hợp lý, nhất là trong hoàn cảnh thị trường chung đang khó khăn.
Phản ứng về việc thắc mắc của một số nhà đầu tư trong vấn đề này, ngày 2/1/2008 ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Sài Gòn đã có công văn giải thích về vấn đề này cho các nhà đầu tư.
Cụ thể, SSI cho rằng căn cứ vào mức độ hoàn thành kế hoạch kinh doanh của năm 2007 thì việc trích quỹ khen thưởng - phúc lợi của công ty năm nay có thể lên đến 200 tỷ đồng là hoàn toàn có thể. Và tỷ lệ trích quỹ khen thưởng - phúc lợi 20% lợi nhuận sau thuế đã được đại hội cổ đông thông qua tại cuộc họp thường niên năm 2007, quyết định này của ĐHCĐ là hoàn toàn phù hợp với quy định của luật doanh nghiệp và điều lệ công ty.
Ngoài ra, một số nguồn tin cho rằng số tiền 200 tỷ đồng sẽ được chia hết cho nhân viên công ty và căn cứ vào đó tính mức thưởng trung bình của từng nhân viên. Ông Hưng cho rằng số tiền 200 tỷ đồng sẽ không chia hết cho nhân viên công ty mà sẽ dùng để trả thù lao HĐQT, Hội đồng đầu tư, BKS và khen thưởng cho nhân viên. Ngoài ra quỹ khen thưởng - phúc lợi này còn được dùng để chi trả cho các hoạt động như mua bảo hiểm cho nhân viên, nghỉ mát, hiếu hỉ, lễ Tết và để dự phòng nếu kết quả kinh doanh của công ty không đạt được như kế hoạch đề ra.
Theo công văn trên thì trong bối cảnh các công ty chứng khoán đang cạnh tranh nhau quyết liệt, có đến 60 công ty chứng khoán đi vào hoạt động và thu hút về các lao động có trình độ cao về phục vụ thì mức trích quỹ khen thưởng của SSI là hoàn toàn phù hợp nhằm khuyến khích nhân viên làm việc tích cực, qua đó sẽ mang lại lợi ích cho các cổ đông.
Mức thưởng 200 tỷ được cho là hợp lý, ngay cả khi hoàn cảnh thị trường khó khăn như vừa qua, cho thấy, những đại gia này vẫn hốt bạc đều đều một cách đáng kinh ngạc.
... Mới biết lợi nhuận còn hơn thế nhiều tỷ đồng
Kết quả kinh doanh sinh lợi của các đại gia chứng khoán quả là khá bất ngờ, trong bối cảnh thị trường nhìn chung khá u ám trong nửa cuối năm vừa qua.
Đơn cử như trường hợp của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (mã chứng khoán: BVS) - công ty vừa thông báo kết quả kinh doanh quý IV/2007 và lũy kế năm 2007.
Theo đó, trong quý IV/2007 tổng doanh thu của công ty đã đạt được là 76,088 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2007 công ty đạt 378,054 tỷ đồng, tăng 357,95% so với năm 2006 tương đương tăng 295,051 tỷ đồng.
Trong quý IV/2007 lợi nhuận sau thuế công ty đạt 11,013 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2007 lợi nhuận sau thuế đạt 215,813 tỷ đồng, tăng 324,04% so với năm 2006, tương đương tăng 164,919 tỷ đồng.
Ấn tượng hơn là trường hợp của Công ty Chứng khoán Kim Long (KLS), với lợi nhuận năm 2007 tăng 2.731,8%!
Cụ thể, doanh thu thuần tuý từ hoạt động kinh doanh chứng khoán của công ty năm 2007 đạt 189,76 tỷ đồng, tăng 2.886,5% so với năm 2006. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2007 đạt 126,24 tỷ đồng, tăng 2.731,8% so với năm 2006.
Năm 2007 lãi cơ bản đạt 5.828 đồng/cp (tính trên vốn điều lệ bình quân năm 2007). (Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu năm 2006 đạt 2.477 đồng/cp. Năm 2006 công ty trả cổ tức với tỷ lệ 20% - trong đó, 10% là bằng tiền mặt và 10% là bằng cổ phiếu).
Trở lại với ví dụ nêu ở đầu bài là SSI thì kết quả cũng cho thấy, họ thưởng như trên phần nào cũng phản ánh sự thịnh vượng chung của đại gia này.
Cụ thể, doanh thu thuần của công ty trong quý IV năm 2007 đạt 211,98 tỷ đồng, tăng 50,3% so với quý III/2007 (tăng 70,98 tỷ đồng). Tính cho cả năm 2007 công ty đạt 1.185,29 tỷ đồng, tăng 248,7% so với năm 2006.
Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý IV/2007 đạt 107,1 tỷ đồng, tăng 24,2 tỷ đồng (tương ứng tăng 29,19%) so với quý III/ 2007. Tính cả năm 2007 lợi nhuận sau thuế đạt 858,55 tỷ đồng, tăng 254,54% so với năm 2006.
SSI là công ty chứng khoán dẫn đầu về thị phần môi giới cổ phiếu trên TTCK Việt Nam, chiếm khoảng 18% tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và 20% tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Điểm chung: Tự doanh chứng khoán
Một trong những nguồn thu lớn nhất của các công ty chứng khoán đến từ mảng môi giới, hiện đang được tính ở mức 0,2-0,4% tổng giá trị giao dịch của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, chuyện lãi lớn từ mảng môi giới đã "xưa rồi diễm ơi", khi mà thị trường giảm đều khiến nhà đầu tư chán ngán không buồn đến sàn như vừa qua. Bù lại, một số công ty đang phất lên chủ yếu nhờ mảng tự doanh.
Trong đó, SSI đang được xem là công ty có mảng tự doanh mạnh nhất trên thị trường, đóng góp tới quá nửa vào lợi nhuận chung của đại gia chứng khoán này.
Chuyện cũng tương tự vậy ở các công ty chứng khoán chú trọng vào mảng tự doanh trên thị trường.
Có được điều này ngay cả khi thị trường sa sút trầm trọng một phần đáng kể là nhờ hàng loạt cổ phiếu các công ty chứng khoán đã mua được khi còn ở mức giá rất thấp, thậm chí bằng mệnh giá, nên họ luôn bình tĩnh bán ra kiếm bộn tiền.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế mà nhà đầu tư không muốn nghe hay so sánh: các công ty chứng khoán có lợi thế khi mua bán cổ phiếu bởi họ thường xuyên được tiếp cận với các thông tin tốt xấu rất đầy đủ và tỉ mỉ, điều mà không phải ai cũng có điều kiện trang bị cho mình như một thứ vũ khí khi bước vào "chiến trường" chứng khoán.
Tuy vậy, cũng có những đại gia sắp trở thành "tiểu gia" sau một năm đầy sóng gió vừa qua. Họ cũng tự doanh chứng khoán...