Sự khan hiếm tiền đồng đang khiến cho cuộc đua tăng lãi suất huy động trở nên sôi động. Ngày 21/2, một loạt các ngân hàng TMCP tiếp tục tăng lãi suất huy động, và lãi suất huy động ngắn hạn VND đã lên tới mức kỷ lục là 12,5%
Từ ngày 21/1, Ngân hàng Quốc Tế (VIB Bank) chính thức tăng lãi suất huy động tiết kiệm VND tại tất cả các đơn vị kinh doanh trên toàn quốc. Như vậy, chỉ trong 20 ngày, Ngân hàng này đã 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất (đợt điều chỉnh tăng gần đây nhất là 1/2).
Theo biểu lãi suất mới, lãi suất tiết kiệm VND tại VIB Bank tăng từ 0,6%/năm đến 1,8%/năm. Cụ thể: kỳ hạn 3 tháng, lãi suất là 10,2%/năm; kỳ hạn 6 tháng, lãi suất là 10,32%/năm; kỳ hạn 9 tháng, lãi suất là 10,38%/năm; kỳ hạn 12 tháng, lãi suất là 10,5%/năm.
Ngân hàng An Bình (ABBank), sau khi điều chỉnh lãi suất tiết kiệm thực gửi VND lên đến 9,12%/năm vào hồi đầu tháng 2 thì từ ngày 18/2 đã tăng lãi suất tiết kiệm VND lĩnh lãi cuối kỳ ở các kỳ hạn gửi theo tuần, mức tăng thêm từ 0,18%/năm đến 1,2%/năm.
Mức tăng cao nhất 1,2 %/năm cho kỳ hạn gửi 1 tuần (tăng từ 4,2%/năm lên 5,4%/năm). Ngân hàng này cũng tăng lãi suất tiết kiệm cho các kỳ hạn còn lại của tiết kiệm tuần như sau: kỳ hạn 2 tuần (tăng từ 5,4%/năm lên 6%/năm) và 4 tuần (tăng từ 7,2%/năm lên 7,8%/năm) với mức tăng như nhau là 0,6%/năm…
Khái niệm “siêu lãi suất” đã xuất hiện khi ngày 20/2, Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) bắt đầu thực hiện chương trình “Tiết kiệm siêu lãi suất-Tri ân cùng khách hàng” trên toàn hệ thống với mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm áp dụng trong chương trình này rất ưu đãi: kỳ hạn 01 tháng: 12%/năm; kỳ hạn 02 tháng: 11,5%/năm; kỳ hạn 03 tháng 11%/năm; kỳ hạn 06 tháng: 11%/năm. Trước đó, ngày 19/2, SeABank tiếp tục nâng lãi suất huy động với các loại tiền VND với lãi suất cao nhất của hình thức tiết kiệm có kỳ hạn lên tới 10,80%/năm, hình thức Tiền gửi tiết kiệm bậc thang VND có mức lãi suất cao nhất là 10,92% và lãi suất Tiền gửi tiết kiệm rút gốc linh hoạt VND cao nhất là 9,36%/năm…
Dù mới cho biết, “là một trong số ít ngân hàng vẫn duy trì được tính thanh khoản cao trong thời gian qua. Trong bối hiện nay, Ngân hàng Quân Đội (MB) vẫn đảm bảo ổn định hoạt động cho vay và thanh toán cho các cá nhân và tổ chức song song với việc nâng cao chất lượng tín dụng” nhưng giờ này MB cũng không thể ngồi yên nhìn các “đồng nghiệp” ào ào tăng lãi suất. Vì vậy, từ ngày 21/2, Ngân hàng này tăng lãi suất huy động vốn ở hầu hết các kỳ hạn với VND và USD. Trong đó, với lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng VND, mức tăng cao nhất là ở kỳ hạn 3 tháng (từ 8,22%/năm lên 10,00%/năm); mức lãi suất cao nhất được áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng đều tăng thêm 0,85%/tháng, lên mức 10,20%/năm. Cũng kể từ ngày trên, MB dừng huy động tiết kiệm VND loại kỳ hạn 13 tháng từ các tổ chức và cá nhân.
Đáng chú ý, cũng từ ngày 21/2, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đẩy lãi suất lên mức cao nhất trên thị trường hiện nay là 12,5%/năm. Mức lãi suất kỷ lục này chỉ áp dụng trong chương trình "Tiết kiệm siêu hấp dẫn". Cụ thể, mức lãi suất cao nhất áp dụng trong chương trình này của SHB là 12,5%/năm đối với kỳ hạn gửi 1 tháng. Lãi suất sẽ giảm dần 0,5% đối với 2 kỳ hạn 02 và 03 tháng, tương ứng là: 12% và 11,5%.
Để tham gia chương trình, khách hàng chỉ cần gửi tiền với mức tối thiểu là 5.000.000VND và cam kết không rút tiền gửi tiết kiệm trước hạn với bất kỳ lý do nào. Trường hợp bất khả kháng và được SHB chấp thuận cho rút tiền tiết kiệm trước hạn thì mức lãi suất áp dụng là 0%.
Động thái tăng lãi suất huy động của các ngân hàng sẽ giúp họ đảm bảo cân đối cung-cầu về tiền tệ trong bối cảnh đang rất khan hiếm tiền VND như hiện nay.
Một số chuyên gia dự báo, cuộc đua tăng lãi suất vẫn chưa dừng lại. Mức lãi suất huy động có thể lên 13%.