Tăng 12,5% trong 6 phiên liên tiếp, chứng khoán Việt Nam đã quay đầu giảm khá mạnh trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán.
Hầu hết các cổ phiếu blue-chips trên sàn chứng khoán TP.HCM đều quay đầu giảm giá sau khi hồi phục mạnh mẽ trong hơn 1 tuần trước khi bước vào dịp nghỉ Tết.
Khối lượng giao dịch giảm mạnh xuống 6,4 triệu đơn vị, trị giá 477,4 tỷ đồng. Trong 3 phiên giáp Tết, khối lượng giao dịch đều đạt trên 10 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu nổi bật đều giảm giá với những cái tên như DPM của Đạm Phú Mỹ (giảm 1.500 đồng xuống 67.000 đồng/cp); FPT của CTCP Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT (giảm 5.000 đồng xuống 193.000 đồng/cp); PVD của Công ty Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí PV Drilling (giảm 6.000 đồng xuống 144.000 đồng/cp); STB của Ngân hàng Sacombank (giảm 2.000 đồng xuống 62.500 đồng/cp)…
Như vậy, mặc dù chỉ số chứng khoán đại diện của thị trường chứng khoán tập trung của Việt Nam vẫn đứng ở mức khá thấp và kết quả kinh doanh chung của các doanh nghiệp niêm yết là tốt nhưng tâm lý không yên tâm về mặt dài hạn đã khiến đa số các nhà đầu tư chớp thời cơ bán ngay khi có lời hoặc hòa vốn (trong trường hợp mua ở mức giá cao trong những tháng cuối năm 2007).
Theo các chuyên gia, hiện tại nền kinh tế của hầu hết các nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là việc chi phí nguyên vật liệu đầu vào liên tục tăng trong nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, việc nền kinh tế Mỹ vừa qua chao đảo vì thị trường bất động sản sa sút và có khả năng bước vào một đợt suy thoái đã khiến nhiều nền kinh tế khác bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, với hàng loạt các giải pháp được chính quyền Mỹ tung ra nhằm cứu TTCK trong nước, các nhà đầu tư trên thế giới đang kỳ vọng vào sự hồi phục của chứng khoán trên toàn cầu.
Vừa qua, chính quyền Tổng thống Bush đã phải chi 150 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là cắt giảm thuế để kích thích nền kinh tế.
Trước đó, đêm thứ ba 22/01, thế giới đã chứng kiến một pha giải cứu TTCK hết sức ngoạn mục của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) với quyết định giảm lãi suất 0,75%, mức cắt giảm cao nhất trong 20 năm qua. Mới đây, Fed tiếp tục mạnh tay cắt giảm 0,5% lãi suất đồng USD.
Các giải pháp của Mỹ đã khiến chứng khoán Mỹ cũng như châu Á tăng khá mạnh trở lại. Tuy nhiên, đó chỉ là ngắn hạn. Về dài hạn, theo các chuyên gia, với việc Fed cắt giảm lãi suất mạnh có thể sẽ khiến các nước trong đó có Việt Nam tiếp tục đối mặt với tình trạng dư thừa USD, tức lại phải tiếp tục đối mặt với khả năng lạm phát. Mà chống lạm phát thì lại phải chấp nhận khó cứu TTCK bởi đồng tiền nội tệ bị giới hạn lưu thông