Đây là dự báo của Trung tâm thương mại (Bộ Công Thương). Năm nay, lạm phát đã tăng cao ngay từ tháng 1, báo hiệu khả năng năm 2008, lạm phát cao hơn mức 8,3% của năm ngoái.
Các số liệu thống kê cho thấy, tốc độ tăng giá tiêu dùng của tháng 2 đều tăng cao hơn tốc độ tăng của tháng 1, có năm tháng 2 còn cao gấp đôi, gấp 3 tốc độ tăng của tháng 1.
Năm nay, gần như chắc chắn tốc độ tăng giá tiêu dùng của tháng 2 sẽ cao hơn tốc độ tăng 2,38% của tháng 1.
Dự đoán này không chỉ dựa vào số liệu lịch sử qua thống kê kinh nghiệm từ hàng chục năm trước, mà còn bắt nguồn từ diễn biến giá tiêu dùng trước và sau Tết Nguyên đán Mậu Tý và những yếu tố tác động trong mươi ngày tới (tốc độ tăng giá tháng được tính từ ngày 20 tháng này đến ngày 20 tháng sau).
Giá tiêu dùng trước Tết năm nay tăng rất sớm cùng với hai hiện tượng gần như diễn ra đồng thời. Thứ nhất là nhiều người đã dự đoán giá những ngày giáp Tết sẽ tăng cao, nên đã mua phòng sớm hơn mọi năm. Thứ hai là một số nhà sản xuất, kinh doanh năm nay cũng dự đoán giáp Tết giá sẽ tăng cao, nên đã trữ và hãm hàng chưa vội bán ra, làm cho lượng hàng vào các thành phố, thị xã không tăng, thậm chí còn giảm không chỉ so với các Tết trước mà còn so với những ngày cách Tết gần 1 tháng. Hai hiện tượng trên cộng hưởng với nhau làm cho giá tăng cao, tăng sớm hơn so với mọi năm.
Giá tiêu dùng trong những ngày cận Tết vẫn tiếp tục tăng, trong đó có loại tăng cao như mứt tết, thịt bò, một số loại giò, thuỷ sản, gà ta... Giá tiêu dùng sau Tết vẫn tiếp tục tăng cao, đáng lưu ý là hầu hết các loại rau đều tăng khá cao.
Tại các tỉnh phía Bắc do thời tiết lạnh và tỷ lệ người sống ở nông thôn, tỷ lệ người có thu nhập thấp vẫn còn nhiều, nên việc ăn Tết vẫn còn diễn ra rất lớn; việc đi lại của những người có thu nhập trung bình trở lên, nhất là người có thu nhập cao lại tăng lên. Khả năng giá cả trong những ngày tới vẫn còn tiếp tục tăng, nhất là dịch vụ ăn uống.
Theo dự đoán, tốc độ tăng giá tiêu dùng tháng 2 năm nay sẽ không dưới 2,5%, có thể trên 3%.