Các doanh nghiệp khai khoáng titan: Hướng tới chế biến sâu

09:25, 18/03/2008

Khu vực mỏ titan Cây Châm, thuộc xã Động Đạt (Phú Lương) từng có thời gian được xem là một trong những điểm “nóng” nhất về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép của tỉnh. Sau khi cùng với các ngành chức năng và chính quyền địa phương lập lại trật tự ở đây, 3 doanh nghiệp được phép hoạt động khai khoáng titan trên địa bàn là: Công ty CP Xuất nhập khẩu Thái Nguyên, Công ty CP Ban Tích và Công ty TNHH Xây dựng và PTNT miền núi đã ổn định sản xuất và dần chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn chế biến sâu.

Theo đánh giá của ngành Công nghiệp thì trong 2 năm 2006, 2007, sản lượng khai thác và doanh thu của 3 Công ty nói trên đạt khá cao với tỷ lệ tăng mạnh theo từng năm. Năm 2006, sản lượng khai khoáng của các doanh nghiệp là 84.520 tấn quặng, doanh thu đạt trên 48 tỷ đồng. Năm 2007, sản lượng đã vượt lên tới 143.650 tấn quặng, đạt doanh thu trên 72,1 tỷ đồng. Tổng nộp ngân sách của các doanh nghiệp đến thời điểm này là 7,08 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng được gần 8,9 tỷ đồng.

Sản xuất đã dần ổn định, các doanh nghiệp tập trung khai thác và lập kế hoạch đầu tư thiết bị nhằm chế biến sâu khoáng sản để có những sản phẩm tinh, những sản phẩm đa dạng khác. Hiện tại đã có 2 công ty đầu tư Nhà máy chế biến tinh quặng với tỷ lệ titan đạt từ 48% -52%. Đó là Công ty CP Ban Tích, xây dựng nhà máy chế biến với tổng đầu tư 58,2 tỷ đồng, công suất thiết kế 80.000 tấn tinh quặng/năm. Dây chuyền chế biến nhập từ các nước Australya, Nga, Trung Quốc do Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam chuyển giao công nghệ. Công ty TNHH Xây dựng và PTNT miền núi đầu tư 30 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến với công suất 40.000 tấn tinh quặng/năm. Dây chuyền của các nước Nga, Trung Quốc do Viện Khoa học Công nghệ và Viện Khoa học vật liệu Việt Nam chuyển giao công nghệ.

Xét thấy, với hệ thống máy móc, thiết bị trên chưa thể đảm bảo sản xuất lâu dài với quy mô lớn, hiệu quả, nên các doanh nghiệp đang tiếp tục lập dự án đầu tư chế biến sâu và luyện xỉ titan. Theo đó, Công ty TNHH Xây dựng và PTNT miền núi sẽ đầu tư 54,9 tỷ đồng hình thành dây chuyền chế biến sâu với công suất 16.000 tấn Ilmenit hoàn nguyên, 10.000 tấn xỉ titan, 6.000 tấn gang hợp kim/năm. Công ty CP Ban Tích đầu tư 300 tỷ đồng với dây chuyền có công suất 32.000 tấn Ilmenit hoàn nguyên và 20.000 tấn xỉ titan/năm. Công ty CP Xuất nhập khẩu đầu tư 376,2 tỷ đồng, dây chuyền có công suất 30.000 tấn xỉ titan và 6.000 tấn gang hợp kim/năm.

Đánh giá của các chuyên gia cho thấy, với trữ lượng mỏ hiện nay, việc đầu tư chế biến sâu của các doanh nghiệp nói trên là hoàn toàn hợp lý và mang tính chiến lược lâu dài. Hai doanh nghiệp là Công ty CP Ban Tích và Công ty CP Xuất nhập khẩu hiện đang sở hữu mỏ có trữ lượng rất lớn, đảm bảo đáp ứng nguyên liệu cho Nhà máy luyện xỉ titan công suất 30.000 tấn/năm, trong thời gian liên tục 20 năm. Hiện nay, chỉ có Công ty TNHH Xây dựng và PTNT miền núi là có trữ lượng mỏ ít (khoảng 70.000 tấn), ước khai thác trong khoảng thời gian 2 năm là hết nguyên liệu. Do vậy, để việc đầu tư của doanh nghiệp đạt hiệu quả cao nhất, mang tính bền vững nhất, doanh nghiệp đang đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh xem xét cho phép được thăm dò một số điểm mỏ lân cận nhằm lấy nguyên liệu phục vụ chế biến sâu khoáng sản.

Việc các doanh nghiệp có hướng đầu tư chế biến sâu khoáng sản, nhất là quặng titan là một tín hiệu vui và phù hợp với chủ trương chung của Nhà nước và của tỉnh. Vì như vậy sẽ giúp các doanh nghiệp tăng vốn đầu tư với các thiết bị, công nghệ hiện đại, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và đảm bảo tận thu nguồn tài nguyên khoáng sản quý giá phục vụ các ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước.