Tại các làng quê, người nông dân đang trăn trở và lo lắng. Với họ làm sao để thoát nghèo và làm giàu vẫn là câu hỏi khó trả lời...
Nông sản tăng một, chi phí tăng mười
Biết chúng tôi đang tìm hiểu viết bài về đời sống của bà con nông dân trước việc giá cả tăng, ông Tuấn, 58 tuổi, xã An Ấp, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình thở dài: "Chẳng hiểu vì sao từ cuối năm 2007 đến nay, giá cả cứ tăng vèo vèo? Thóc lúa, lợn gà, rau cỏ tăng một thì các thứ khác tăng mười".
An Ấp là một trong số gần 30 xã thuần nông của huyện Quỳnh Phụ, người dân không có nghề phụ, cuộc sống của hàng nghìn người nơi đây chủ yếu dựa vào hai vụ cấy lúa, một vụ đông trồng rau cùng chăn nuôi, cho nên đời sống còn nhiều khó khăn.
Chúng tôi về đây giữa lúc bà con đang hối hả cấy cho kịp thời vụ, các thửa ruộng đều có người làm. Ðợt rét đậm, rét hại kéo dài vừa qua đã khiến phần lớn số mạ đợt đầu ở đây chết, bà con phải gieo lại. Việc cấy hái bận rộn nhưng trên các cánh đồng, câu chuyện được nhắc tới nhiều nhất vẫn là giá cả.
Tại một thửa ruộng ven đường, chị Oanh cho hay: "Nhà tôi có bốn nhân khẩu, cấy gần hai mẫu ruộng. So với năm ngoái, chi phí cày bừa, giống, phân bón năm nay tăng thêm hai triệu đồng. Nếu gặp thiên tai, mất mùa thì chẳng biết trông vào đâu?".
Theo cách tính toán cụ thể của chị Oanh, so với vụ trước, vụ này giá phân lân Lâm Thao tăng hai lần, từ 60 nghìn đồng/bao lên 130 nghìn đồng/bao, đạm u-rê tăng từ 200 nghìn đồng lên 350 nghìn đồng/bao. "Mọi việc chi tiêu chủ yếu chỉ biết dựa vào hạt thóc, vậy mà giá thóc chỉ tăng một nghìn đồng/kg, so với những thứ khác thật chả thấm tháp gì!" - một chị cấy ở thửa ruộng bên cạnh góp chuyện.
Tại đầu bờ nọ dăm bảy người đang nghỉ giải lao uống nước. Chúng tôi chưa kịp hỏi chuyện các chị đã xúm lại đặt câu hỏi: "Vàng, xăng, dầu còn tăng giá phải không các chú? Hình như là lại có chiến tranh ở mấy nước sản xuất ra dầu nên xăng, dầu tăng? Tôi nghe truyền hình thông báo lạm phát 6% nghĩa là sao?...".
Số đông người nông dân vốn chẳng hiểu rõ lạm phát, tài chính, tiền tệ thế nào nhưng giờ đây, giá cả mọi thứ đều tăng đang từng ngày, từng giờ ập vào cuộc sống, bữa ăn của gia đình, học hành của con cái, nông dân cũng cảm thấy "nóng ruột" chẳng kém các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán.
Nhắc đến chuyện chăn nuôi, một chị buông tiếng thở dài: "Ðúng là họa vô đơn chí! Thức ăn gia súc thì tăng hai lần, thuốc chữa bệnh cho lợn, gà tăng gấp rưỡi nhưng giá cả lại hạ, ối nhà phải bán ngan, gà để chạy dịch. Ðợt gần Tết, giá gà 70-80 nghìn đồng/kg không có mà bán, bây giờ 45-50 nghìn đồng/kg còn phải tìm người mua".
Hỏi rõ mới hay, khoảng nửa tháng nay, giá ngan, gà ở Thái Bình, Hải Dương, Nam Ðịnh đột ngột giảm mạnh là do tin một số tỉnh tái phát dịch cúm gia cầm, người dân ở đó tìm cách bán tháo và việc vận chuyển gia cầm trở nên khó khăn hơn.
Ở Bắc Giang, do có thông tin, loại gà đồi được nuôi tại các trang trại, đang khỏe bỗng chết hàng loạt mà chưa rõ nguyên nhân vì vậy lại có một cuộc bán tháo "gà" từ Bắc Giang về Hà Nội và các tỉnh.
Nỗi vất vả... làm ruộng
Ông Nguyễn Văn Ðài, Phó Trưởng thôn Xuân Lai, xã An Ấp trở nên suy tư hơn khi nói đến chuyện giá cả. Chiêu ngụm nước chè, ông Ðài tỏ ra lo lắng: "Mới đây, tỉnh có thông báo hỗ trợ mỗi sào ruộng mười nghìn đồng để bù vào tiền thóc giống gieo mạ đợt hai. Số tiền này rất có ý nghĩa nhưng quả thực chưa thấm tháp gì so với chi phí nông dân phải bỏ ra do giá cả tăng cao. Ðiều người nông dân mong mỏi bây giờ là sớm được hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, bao tiêu đầu ra ổn định.
Ðơn cử như vụ ớt vừa qua, chi phí cũng tăng hai lần nhưng bà con nông dân không được quyền định giá, tư thương trả bèo bọt 3.000-5.000 đồng/kg nhưng vẫn phải bán. Chi phí cho cấy hái ngày một đắt đỏ nhưng năng suất lại chả tăng thêm chút nào.
Làm ruộng ngày càng trở nên khó khăn, vậy nên, chưa khi nào người dân trong xã đi lên thành phố làm ăn đông như đợt này, các xã lân cận cũng vậy. Thanh niên trai tráng thì đi làm thợ xây, thợ mộc, con gái thì đi làm may, giày da, bán hàng, hàng chục người đang vay nợ lãi để "chạy" đi xuất khẩu lao động. Mới mấy năm trước thôi, người ta còn tranh nhau thầu ruộng để cấy nhưng năm nay, số người trả lại ruộng thầu rất nhiều. Cứ đà này, sẽ có không ít nhà bỏ ruộng không cấy nữa!...". Quả là một viễn cảnh buồn của miền quê lúa.
Tại một vùng quê thuần nông khác, chỉ cách Hà Nội chừng mười km, là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, tâm trạng... không thiết tha làm ruộng của nông dân thể hiện rõ hơn.
Ðứng dưới chân chùa Thầy cổ kính, trầm mặc, ông Xuân, sáu mươi tuổi, người xã Sài Sơn thảng thốt: "Sắp hết thời vụ cấy rồi mà vẫn còn nhiều thửa chẳng cày bừa gì, có lẽ năm nay người ta không cấy nữa. Lúa ở đây tốt lắm thì đạt năng suất hai tạ/sào. Với chi phí giống, phân tăng cao như bây giờ, lãi chắc chẳng ăn thua gì. Bây giờ, người dân ở đây đổ xô ra Hà Nội hoặc sang các làng nghề thép, mộc bên cạnh kiếm việc, buôn bán...".
Chị Thu, bán nước ở cổng chùa Thầy kể: "Nhà tôi có sáu sào ruộng, mọi năm trừ chi phí rồi, cả năm thu được khoảng chục triệu đồng, nhưng năm nay giá cả đắt đỏ thế này, có lẽ chỉ được chừng sáu, bảy triệu đồng. Ðể có tiền chu cấp cho hai đứa con học đại học ngoài Hà Nội (hai triệu đồng/tháng), chồng tôi phải ra ngoài đó làm thợ xây, còn tôi thì buôn bán lặt vặt.
Sắp tới tôi tính phải cấp thêm tiền cho các cháu, vì ngoài đó, cái gì cũng tăng giá mà chưa biết trông vào đâu. Giá cả cứ tăng thế này, chắc nhiều nhà ở đây không tránh khỏi chuyện phải giật tạm nợ lãi cho con ăn học".
Chúng tôi nhắc tới "siêu dự án" khu du lịch sinh thái Tuần Châu - Hà Tây rộng gần 250 ha, vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng và dự án khu công nghiệp Quốc Oai nằm trên địa bàn xã, tương lai sẽ giúp cho nơi đây trở nên sầm uất, giàu có, nhưng chị Thu không tin lắm vào điều này.
Chị bảo, người dân ở đây chủ yếu làm nông nghiệp, chẳng có nghề gì, đất hết rồi thì làm gì để sống. Vậy nhưng, trong cơn "sốt" đất hiện nay, nhiều hộ gia đình ở Sài Sơn đã bán đứt mỗi sào ruộng lấy hơn hai trăm triệu đồng, chủ yếu là xây nhà, mua xe máy, một số người chuyển sang đi buôn. Vào thời điểm này, hầu như ngày nào cũng có người từ Hà Nội vào đây hỏi mua ruộng của nông dân, nhiều người sẵn sàng trả giá ba trăm triệu đồng/sào. Theo phân tích của một người chuyên đầu cơ đất đai, điều đặc biệt này không chỉ diễn ra ở Sài Sơn, Quốc Oai mà nó còn đang âm thầm diễn ra ở nhiều xã khác thuộc các huyện ở Thanh Oai, Hoài Ðức, Ðan Phượng, bắt nguồn từ khi có thông tin Hà Tây sẽ sáp nhập Hà Nội, khiến giá đất trồng lúa cũng trở nên "sốt" và người nông dân bỗng "say mê" bàn chuyện giá đất hơn việc cấy cày.
Người nông dân lâu nay chỉ quen với tập quán sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, bây giờ đang từng ngày phải đối mặt những diễn biến nóng bỏng của kinh tế thế giới và trong nước như giá dầu, giá vàng leo thang, đồng USD mất giá, lạm phát trong nước..., ngay với cả những người đã tạm xa quê, bỏ lại ruộng vườn lên chốn thị thành làm ăn.
Như chuyện của gần chục cặp vợ chồng quê ở tỉnh Hà Nam đang thuê trọ tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai. Họ đã lên Hà Nội làm ăn từ vài năm nay, chồng thì làm nghề lái xe chở khách ở bến xe Giáp Bát, vợ thì đi thu mua đồng nát, bán bánh mì, bán báo, thuốc lá, nước chè... Mỗi cặp vợ chồng thuê một căn phòng trọ rộng chưa đầy mười mét vuông với giá ba trăm nghìn đồng/tháng. Nhưng sau Tết, giá thuê phòng đã tăng lên 450 nghìn đồng, rồi tiền xăng, ăn uống, sinh hoạt cũng tăng, theo vợ chồng chị Hoa, những năm trước mỗi tháng dành dụm được gần hai triệu đồng/tháng thì giờ đây chỉ hơn một triệu đồng. Vậy nhưng, vợ chồng chị và những cặp vợ chồng khác vẫn chưa có ý định về quê, bởi theo chị, dẫu sao thu nhập cũng khá hơn làm ruộng...
Có lẽ, lúc này, khi chi phí sản xuất tăng cao, đất đai ở nhiều nơi trở nên có giá, cũng là thời điểm người nông dân cảm thấy chạnh lòng, thậm chí buồn cho cái nghề cấy cày, chăn nuôi của mình. Và, câu hỏi làm gì để người nông dân yên tâm cày cấy trên thửa ruộng của mình đang đặt ra như một vấn đề thời sự.