Giá vật liệu xây dựng tăng nhà thầu khốn khó

08:05, 17/03/2008

Doanh nghiệp (DN) xây dựng không... ký hợp đồng thi công dài hạn, bởi không biết bao giờ giá vật liệu ngừng tăng. Thậm chí, có DN chọn giải pháp sẵn sàng bỏ công trình để bị phạt còn hơn làm mà lỗ. Thực tế đang đòi hỏi một cơ chế giá nguyên vật liệu phục vụ thi công công trình  linh hoạt, phù hợp.

Chóng mặt vì... giá

 

Câu chuyện nhà thầu trong thời giá nguyên vật liệu “đầu vào” tăng mạnh được ông Nguyễn Bảo Bình, Phó Tổng giám đốc TCty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) gói trong 4 chữ “cực kỳ khó khăn”. Ông Bình dẫn chứng, mới đây Ban Quản lý (BQL) dự án khu đô thị Văn Khê mời 14 nhà thầu (đã đăng ký đấu thầu từ trước) để bàn chuyện mở thầu xây dựng khu nhà vườn liền kề (3 tầng, 1 tum) với giá trên 1 tỷ đồng/nhà, nhưng các nhà thầu đều... lắc đầu. Bởi, giá đó từ trước Tết còn làm được, nay nếu làm chắc chắn lỗ.  Khó ở chỗ là BQL đã ký hợp đồng với khách hàng, muốn điều chỉnh cũng không được.

 

Nhiều nhà thầu cho biết, giá vật liệu xây dựng hiện tăng từng ngày. Ngay khi trao đổi với ông Bình, giá thép xây dựng từ sáng tới chiều đã tăng 300đ/kg. Trong khi đó, gạch từ 1.700đ/viên nay đã tăng lên 2.400đ/viên. Giá xi măng, cát, đá... cũng đều tăng 20-30%; giá nhân công tăng 14%-25%, tùy vị trí. “Một công trình với hàng triệu viên gạch, thì mức thiệt hại ghê gớm như thế nào? Bây giờ tiền công nhật 60.000-80.000đ/người, nhưng vẫn không gọi được thợ. Một là, họ muốn giá cao hơn nữa. Hai là, các tỉnh lân cận cũng đang xây dựng ồ ạt, nên thợ cũng không cần về Hà Nội. Trong khi đó, các Cty chỉ có khoảng 50% tổng số công nhân, còn lại là lao động thời vụ... Giá tăng như thế, chúng tôi có trách nhiệm với người lao động, nên phải làm thôi chứ nhận công trình vào lúc này thì cầm chắc là lỗ” - ông Bình nói.

 

 

 

Cơ sở tính giá phải linh hoạt

 

Điều các chủ đầu tư lo ngại nhất là dự báo mức giá vật liệu sẽ tiếp tục “leo thang”, nhất là sau khi xăng dầu tăng giá. Nếu tiếp tục đà tăng giá tốc độ “phi mã” thì kinh phí sẽ vượt tổng dự toán, chắc chắn lúc đó việc thi công, ngay cả các dự án thương mại cũng sẽ phải dừng lại.

 

 Nhiều nhà thầu chỉ trích cơ chế một năm, một giá do Nhà nước quy định. Theo họ không thể cứng nhắc như vậy trong khi thị trường biến động từng ngày, đòi hỏi cơ sở tính giá phải ứng xử linh hoạt theo thị trường, nhất là đối với những mặt hàng nhạy cảm như sắt thép, xi măng... Để phù hợp nên định giá 1 tháng, hoặc dài nhất 1 quý/lần. Về phía DN, đầu tư công nghệ để giảm chi phí nhân công; chủ động khai thác nguồn vật liệu, ký hợp đồng dài hạn với nhà cung cấp; chủ động về tài chính... đang là những giải pháp cấp bách trước mắt nhằm chống chọi với “bão giá”.