Mặc dù ngân hàng (NH) tăng lãi suất USD lên 6%/năm nhưng nhiều người vẫn bán ngoại tệ này để gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, việc bán USD sang VNĐ để gửi NH chưa chắc lợi hơn so với gửi tiết kiệm USD.
Anh Phạm Hoàng Nam, một nhà đầu tư tài chính, tính toán: Bán USD trong thời gian này hoàn toàn không có lợi so với gửi tiết kiệm. Ví dụ 1.000 USD gửi tiết kiệm với lãi suất 6%/năm thì một năm sau sẽ nhận được cả vốn lẫn lãi là 1.060 USD.
Bán 1.000 USD ra VNĐ được 15,5 triệu đồng, sau đó gửi tiết kiệm với lãi suất hơn 0,9%/tháng thì sau một năm sẽ thu được cả vốn lẫn lãi khoảng 17 triệu đồng, cao hơn so với gửi USD. Thế nhưng, Chính phủ đang nỗ lực kiềm chế lạm phát, lãi suất VNĐ có thể giảm trong thời gian tới nên bán USD lúc này để gửi tiết kiệm chưa chắc có lợi.
Ông Lê Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc nH Đông nam Á (SeABank), cho biết các NH ngừng mua USD không phải vì quá dư thừa lượng tiền này mà lo ngại thị trường tiền tệ thế giới biến động. Nhiều NH tăng lãi suất USD để hạn chế rủi ro cho cả bên mua và bên bán.
Khách hàng có thể có lợi nếu gửi tiết kiệm bằng USD, không nên quá lo lắng trước hiện tượng trước mắt bởi khi đã tung USD ra thì sẽ đến một thời điểm nào đó phải thu về. Khi đó nhu cầu mua USD sẽ tăng mạnh. Nếu quá nóng vội mà “chối bỏ” USD lúc này là không nên.
Giới kinh doanh tiền tệ cho rằng USD mất giá so với VNĐ nhưng về dài hạn sự phục hồi của USD là hoàn toàn có thể. NH từ chối mua USD nên tỉ giá USD trên thị trường tự do bị ép đến mức thấp. Người dân đang hoang mang, ồ ạt bán ra, đẩy ngoại tệ này xuống thấp hơn nữa. Hiện nay, các hợp đồng ngoại thương trên thế giới vẫn chỉ dùng chủ yếu là USD và euro.
Tại Việt Nam, thanh toán bằng đồng USD chiếm khoảng 89% các hợp đồng, còn euro chỉ chiếm khoảng 7%. Về tổng thể, USD suy yếu nhưng chỉ trong ngắn hạn.