Miền Bắc cạn kiệt giống thủy sản

10:44, 24/03/2008

 -Ở nhiều tỉnh phía Bắc, đàn cá chim trắng, rô phi đơn tính giống bố mẹ gần như bị “xóa sổ” hoàn toàn, trong khi những loại cá này chiếm tới 30-50% cơ cấu nuôi tại nhiều tỉnh. Đợt rét vừa qua đã làm người dân thiệt hại hơn nhiều so với con số 147 tỷ đồng mà các địa phương đã báo cáo.

Cục Nuôi trồng thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, 147 tỷ đồng là thống kê thiệt hại về con giống của 20/32 tỉnh từ Thừa Thiên - Huế trở ra do đợt rét kéo dài 2 tháng đầu năm nay.

 

Song, trên thực tế, báo cáo bổ sung của các địa phương cho thấy thiệt hại thực tế còn cao hơn nhiều. Điển hình, tại Hải Phòng, số thiệt hại đã tăng từ 39 tỷ đồng lên 65 tỷ đồng, Hưng Yên từ 2,3 tỷ đồng lên 7 tỷ đồng, Hà Tây mất tới 12 tỷ đồng mà chưa có báo cáo chính thức.

 

Theo ông Lê Viễn Chí, Phó Cục trưởng Cục Nuôi trồng thủy sản, cá chim trắng, cá rô phi, cá tra nước ngọt, thủy sản giống... là những loài bị chết nhiều nhất do chịu lạnh kém, đặc biệt là đàn cá bố mẹ (chim trắng, rô phi đơn tính). Kể cả khi đàn bố mẹ có sống sót, khả năng sinh sản cũng bị giảm sút, chất lượng con giống không cao.

 

Ở Trung tâm Giống thủy sản Hà Nội, gần như toàn bộ đàn cá giống bố mẹ đều bị nhiễm bệnh nên không đảm bảo khả năng sinh sản. Hoặc như Bắc Giang, cá giống được sinh ra từ cá bố mẹ bị bệnh chỉ ương nuôi được 5-7 ngày là chết.

 

Hiện nay, tình trạng sốt giống thủy sản đã xảy ra tại một địa phương do nguồn cung ứng tại chỗ không đáp ứng đủ. Nếu không được bổ sung kịp thời đàn cá bố mẹ bị thiếu hụt, sẽ dẫn đến tình trạng các địa phương bị thiếu giống nghiêm trọng và làm lệch cơ cấu nuôi trồng thủy sản những năm tiếp theo.

 

Trong khi đó, khả năng vận chuyển con giống từ miền Trung, miền Nam hay nhập từ Trung Quốc cũng gặp không ít khó khăn. Đáng lưu ý, tình trạng khan hiếm còn tạo nguy cơ nhập giống bệnh, không đảm bảo chất lượng từ bên ngoài, nhất là nhập qua đường tiểu ngạch.

 

Trước tình hình này, Cục Nuôi trồng thủy sản đã đề xuất hỗ trợ khẩn cấp cho ngành thủy sản các tỉnh phía Bắc 73 tỷ đồng để phục hồi sản xuất. Thời gian hỗ trợ từ 10/3-10/4 nhưng thường sẽ chậm hơn nhiều do thủ tục hành chính nên ông Lê Chí Viễn khuyến cáo các địa phương cần hết sức chủ động.

 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Việt Thắng cũng nhấn mạnh, việc hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất giống cần phải đi kèm với trợ giúp người nuôi có được giống giá rẻ hơn để họ đủ vốn tái sản xuất.

 

Cục Nuôi trồng thủy sản khuyến cáo các địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn phải có kế hoạch và biện pháp phòng trừ các bệnh thường xuất hiện trên cá nuôi khi thời tiết ấm trở lại như bệnh ký sinh trùng, bệnh nấm, vi khuẩn.