Ngành thép kiềm chế tăng giá

08:15, 26/03/2008

Các nhà sản xuất thuộc Hiệp hội Thép Việt Nam vừa đồng thuận gửi công văn số 11/HHTVN lên Văn phòng Chính phủ, cam kết trong tháng 3/2008 không tăng giá bán thép. Toàn ngành thép đang “thắt lưng, buộc bụng”, duy trì giá bán thép hợp lý để không gây “sốc” cho thị trường.

Không tăng giá bán gây đột biến cho thị trường

 

Thực tế do giá phôi và nguyên liệu thép nhập khẩu tăng cao nên giá bán thép trong nước các tháng đầu năm tăng (giá hiện nay so với đầu 2008 đã tăng trên 2 triệu đồng/tấn). Cụ thể giá bán của các đơn vị sản xuất và liên doanh với TCty Thép Việt Nam trong thời gian gần đây như sau: Thép đốt tròn của Gang thép Thái Nguyên là 15.180đ/kg, Natsteelvina 15.550đ/kg, Cty mẹ - TCty Thép 14.500đ/kg, Pomina 14.990đ/kg, Tây Đô 14.840đ/kg; Thép cuộn Φ6 của Gang thép Thái nguyên 15.380đ/kg, Natsteelvina 15.950đ/kg, Cty mẹ - TCty Thép 14.600đ/kg, Pomina 14.982đ/kg, Tây Đô 15.160đ/kg.

 

Tuy nhiên, từ trung tuần tháng 3, Hiệp hội Thép Việt Nam đã triệu tập cuộc họp với các nhà sản xuất thép nhằm triển khi ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải  tại công văn số 1609/VPCP ngày 14/3/2008 về tăng cường quản lý kinh doanh thép và đi đến thống nhất: tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất thép kinh doanh ổn định nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu trong nước; không tăng giá thép trong thời gian còn lại của tháng 3/2008 trong điều kiện giá phôi phép ở mức dưới hoặc bằng 900 USD/tấn. Khi giá nhập khẩu tăng trên mức 900 USD/tấn, các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng sẽ bàn thảo với Hiệp hội Thép Việt Nam để điều chỉnh giá bán hợp lý trên nguyên tắc duy trì tái sản xuất nhưng không gây đột biến trên thị trường.

 

 Đảm bảo cung cấp đủ thép xây dựng

 

 Một trong những giải pháp quan trọng góp phần kìm chế tăng giá thép mà Hiệp hội Thép Việt Nam đưa ra là phải đẩy mạnh sản xuất nhằm đảm bảo cung cấp đủ thép xây dựng với giá cạnh tranh trên thị trường.

 

Theo đó, các đơn vị sản xuất phải nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất từ khâu mua sắm nguyên, nhiên vật liệu cho đến các khâu sản xuất, lưu thông phân phối; Đa dạng hóa nguồn cung cấp phôi để tránh bị ép giá; Tăng cường sản xuất phôi thép trong nước để giảm bớt sự phụ thuộc vào phôi thép nhập khẩu; Đẩy mạnh tiến độ xây dựng các công trình sản xuất phôi thép đi từ quặng và sắt thép phế liệu.

 

 Ở khâu bán hàng, các doanh nghiệp cũng thống nhất việc phải chú trọng củng cố, mở rộng hệ thống lưu thông phân phối của các nhà sản xuất, có những quy định chặt chẽ để hạn chế các đại lý, đặc biệt đại lý cấp I để tránh hiện tượng nâng giá bán thép tùy tiện. Các doanh nghiệp không bán hàng tập trung cho một số đại lý nhằm hạn chế việc đầu cơ, tích trữ và khuyến khích ưu tiên cung cấp sản phẩm thép trực tiếp cho các công trình xây dựng và hộ tiêu thụ cuối cùng; Thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá bán thép; Đăng ký đầy đủ, kịp thời và minh bạch về giá bán thép với cơ quan quản lý thị trường địa phương để cùng phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá bán của nhà sản xuất đã công bố.

 

 TCty Thép góp sức bình ổn thị trường

 

 Thông tin từ TCty Thép Việt Nam cho biết, Cty mẹ - TCty Thép Việt Nam hiện không còn giữ vai trò chi phối trên thị trường thép xây dựng (hoạt động sản xuất, kinh doanh thép đã được xã hội hóa mạnh): Năng lực cán thép của các đơn vị trực thuộc Cty mẹ (kể cả Cty gang thép Thái Nguyên) chỉ khoảng 1.280.000 tấn, trong đó thép xây dựng xấp xỉ 880.000 tấn/năm (do nhiều đơn vị TCty đã cổ phần hóa), do vậy chỉ chiếm 14% năng lực cán thép của cả nước. Nếu tính toàn hệ thống (gồm các Cty con và Cty liên kết), TCty chiếm 38% công suất cán thép xây dựng cả nước và 60% thị phần (các Cty con và Cty liên kết đều là những doanh nghiệp hoạt động độc lập theo Luật Doanh nghiệp, do đó TCty không điều hành cứng được về mọi mặt).

 

Tuy không còn giữ vai trò chủ chốt trên trên thị trường, nhưng thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành trong việc kiềm chế giá và tham gia bình ổn thị trường thép xây dựng, trong các tháng đầu năm 2008, TCty Thép Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Đó là, đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu thép xây dựng trên thị trường (duy trì sản xuất cả trong thời gian nghỉ tết Nguyên đán); Áp dụng các biện pháp tiết kiệm chi phí, giảm giá thành nhằm kiềm chế tăng giá và tham gia bình ổn thị trường.

 

Trong thời gian qua, TCty đã duy trì giá bán thấp hơn các đơn vị khác từ 300.000 – 500.000đ/tấn. TCty cũng đã phấn đấu tăng tỷ lệ cung ứng trực tiếp đến các công trình, người sử dụng cuối cùng; Công khai tỷ lệ chiết khấu, chất lượng sản phẩm và niêm yết công khai giá bán; Quản lý chặt chẽ hàng tồn kho, có quy chế bàn hàng hợp lý, không tập trung bán hàng qua số ít nhà phân phối lớn dễ dẫn đến tình trạng lũng đoạn giá hoặc đầu cơ. Bên cạnh đó là đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án luyện phôi nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn phôi nhập khẩu.