Phân tích về việc nhập siêu đang gia tăng, các quan chức trong ngành thương mại cũng như nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tình trạng chưa đến mức đáng ngại và “nhập siêu chưa hẳn đã là không tốt”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên khẳng định nhập siêu hiện vẫn đang trong tầm kiểm soát và trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, các dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài tăng mạnh, “chưa cần thiết phải can thiệp bằng các biện pháp kiềm chế nhập khẩu mà quan trọng là làm thế nào để hạn chế tác động của nhập siêu”.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, con số nhập siêu năm nay có thể lên tới 18 - 20 tỷ USD, tăng gấp rưỡi năm trước và là mức cao nhất trong 10 năm qua. Trong hai tháng đầu năm, nhập khẩu của cả nước đã tăng tới gần 64% so với cùng kỳ năm ngoái và mức nhập siêu đã là xấp xỉ 4,3 tỷ USD, chiếm hơn 49% kim ngạch xuất khẩu.
Những nguyên nhân dẫn đến nhập siêu tăng gấp tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái vẫn được cho là do khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp còn thấp, sản xuất trong nước vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Một nguyên nhân nữa theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, nhập siêu là tất yếu khi năng lực sản xuất trong nước còn hạn chế, hiện gần như đã đến “ngưỡng”, nhập khẩu vẫn tăng theo nhu cầu.
Do vậy, đẩy mạnh xuất khẩu để thu hẹp khoảng cách xuất - nhập đang được Bộ Công Thương coi là một trong những giải pháp tích cực. Cùng với đó, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các doanh nghiệp để cân đối chính xác cung - cầu, cân nhắc thời điểm mùa vụ trong nước để hạn chế tối đa ảnh hưởng của xu hướng tăng giá trên thế giới.
Giải pháp về thị trường cũng được coi trọng để hạn chế tác động của xu hướng tăng giá đồng euro so với đôla. Theo đó, thị trường nhập khẩu sẽ được định hướng tăng ở những nơi thanh toán đôla và giảm nhập khẩu từ nơi thanh toán bằng đồng euro và các đồng tiền mạnh khác.
Còn về lâu dài, theo ông Phan Văn Trinh, Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), bên cạnh việc tập trung xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn để nâng cao hàm lượng chế biến, cần có chính sách quy hoạch các ngành công nghiệp sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, hạn chế xuất khẩu tài nguyên thô, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là cho các ngành sản xuất hàng xuất khẩu như dệt may, da giày.
Một đề án nghiên cứu tổng thể về nhập siêu đang được Bộ Công Thương hoàn thiện để trình Chính phủ nhằm đưa ra những giải pháp bền vững và hiệu quả cho vấn đề này.