Thép: Giá cao vì đầu cơ

09:21, 20/03/2008

Giá thép xây dựng đã lên tới 17 triệu đồng/tấn và khả năng sẽ còn tăng - Giới kinh doanh thép đang đua nhau làm giá để trục lợi

 

 

Giá thép xây dựng trong nước tăng chóng mặt cộng với tình hình kinh doanh thép đang rất phức tạp, nên mới đây Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống đầu cơ lũng đoạn thị trường, xử lý nghiêm việc nâng giá bán bất hợp lý.

 

Không thể mua thép từ nhà máy

 

Trong vai người mua thép, chúng tôi liên hệ trực tiếp với các hãng thép tại TPHCM thì đều bị từ chối. Ngay tại Tổng Công ty Thép VN, chúng tôi đặt mua thép số lượng lớn phục vụ công trình đang xây dựng thì cũng bị từ chối vì “không bán trực tiếp cho khách hàng mà phải qua các chi nhánh”. Đến chi nhánh thì bị từ chối với lý do ưu tiên cho những công trình Nhà nước.

 

Hãng Thép Vina Kyoei cũng từ chối thẳng thừng vì “chỉ bán cho các đại lý”. Chúng tôi được giới thiệu đến Công ty Kim khí TP trên đường Lê Duẩn (Q.1) để mua thì nơi này trả lời “không có hàng”. Liên hệ một doanh nghiệp tư nhân (làm đại lý cho Pomina ở quận Thủ Đức) thì được trả lời là muốn mua bao nhiêu cũng có nhưng với giá bán từ 16,8 triệu- 17 triệu đồng/tấn, tùy loại (không bao chi phí vận chuyển).

 

Nhiều đơn vị kinh doanh sắt thép tại TPHCM cho biết việc mua thép giá gốc tại nhà máy hiện nay là gần như không thể. Ông Trần Tuấn Khải, chủ một doanh nghiệp kinh doanh sắt thép tại quận 10 TPHCM cho biết khi giá thép mới bắt đầu tăng cao, ông đã phải đăng ký trước một, hai tuần mới có hàng, còn hiện nay phải chờ cả tháng cũng chưa chắc có hàng. Trường hợp mua được thì khi nhận hàng cũng không đủ số lượng và chủng loại như đăng ký.

 

Tiếp xúc với các đơn vị sản xuất thép trong nước, chúng tôi được nghe lời thanh minh đã sản xuất hết công suất nhưng vẫn không đủ hàng đáp ứng nhu cầu thị trường. Ông Hà Văn Án, Phó trưởng Phòng Thị trường, Tổng Công ty Thép VN, cho biết: Nguồn thép cung cấp cho thị trường đang trong tình trạng thiếu cục bộ (thiếu chủng loại) nên khách hàng phải đăng ký trước nhiều tuần mới có hàng.

 

Bán cho sân sau để nâng giá

 

Giải thích hiện tượng giá thép liên tục leo thang, các nhà sản xuất cho rằng do giá nguyên liệu phôi thép trên thế giới tăng liên tục từ 820 USD/tấn lên 860 USD- 870 USD/tấn và hiện nay giá chào bán đã trên 900 USD/tấn, nên khi lô hàng mới về sẽ đẩy giá trong nước tiếp tục tăng là điều khó tránh khỏi. Nhu cầu thép xây dựng đang tăng cao cũng kéo giá thép tăng thêm...

 

Qua tìm hiểu của chúng tôi, những nguyên nhân trên là có thật. Tuy nhiên, việc giá thép liên tục tăng phi mã như gần đây thì mấu chốt lại là do nhu cầu ảo. Trước đây, các công trình xây dựng thi công đến đâu thì chủ đầu tư mua thép đến đó. Nhưng nay, do lo ngại giá thép tăng nên nhiều chủ đầu tư chấp nhận vay vốn để trữ hàng cho cả quý.

 

Nắm được tình trạng này, giới kinh doanh thép (kể cả một số doanh nghiệp sản xuất thép) tìm mọi cách găm hàng chờ giá lên cao hơn mới bán. Có hay không hiện tượng các đơn vị sản xuất và đơn vị kinh doanh thép đang liên kết nhau để ém hàng làm giá? Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép VN, cho biết việc đầu cơ giá thép hiện nay là có thật với hình thức găm hàng để chờ giá lên nhưng hiện tượng liên kết giữa nhà sản xuất và đơn vị bán hàng để đầu cơ thì chưa thấy.

 

Ông Cường thừa nhận: Do nhu cầu cao trong khi các nhà máy thép không đủ hàng để cung cấp nên khách hàng phải mua lại từ nhiều đầu mối dẫn đến tình trạng mua bán lòng vòng và giá bị đẩy lên cao. Một số nhà máy thép hiện không bán hàng trực tiếp cho khách hàng (vì cho rằng khó thu tiền) mà chỉ bán qua các đại lý để dễ thu hồi nợ. Thực trạng này đã tạo điều kiện cho giới kinh doanh thép có cơ hội thao túng giá.

 

Giới kinh doanh thép còn phản ánh hiện đang có một số nhà sản xuất thép tạo sân sau bằng cách lập công ty “con” phân phối thép để trục lợi. Hàng từ nhà máy sẽ rót thẳng xuống công ty này với mức giá gốc khá hợp lý. Nếu cơ quan chức năng có thanh tra cũng không thể phát hiện được hiện tượng kích giá.

 

Trong khi đó, các công ty “con” này cứ “vô tư” bán với giá thị trường, thậm chí còn “giam” hàng làm giá không khác gì các cửa hàng kinh doanh thép nhan nhản trên thị trường hiện nay. Một số đơn vị khác chỉ bán hàng cho những đại lý dạng mối ruột (có mối quan hệ ăn chia theo tỉ lệ nào đó) nên những khách hàng bình thường (kể cả nhiều đại lý khác) không thể chen chân mua được hàng mà phải mua lại qua trung gian...