Thuê máy bay... đi làm ăn

16:09, 25/03/2008

Hãng Pacific Airlines nhận được khá nhiều đơn đặt hàng thuê máy bay đi kinh doanh từ các doanh nhân trong nước.

Không công khai lẫn tiếp thị ồn ào nhưng các hãng hàng không trong nước cho biết gần đây, nhu cầu thuê nguyên chuyến bay hoặc thuê chuyên cơ để phục vụ công việc kinh doanh đang ngày càng tăng cao.

 

Chỉ có “ông lớn” mới dám chơi

 

Thực ra việc thuê nguyên một chuyến bay để đi làm ăn hiện còn khá xa lạ đối với phần lớn các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, đối với các tập đoàn nước ngoài thì chuyện này khá bình thường. Còn nhớ tại hội nghị của các nhà lãnh đạo APEC diễn ra tại Hà Nội năm 2007, sân bay Nội Bài chật kín các chuyên cơ riêng của những ông chủ, tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đến tham dự.

 

Ông H., một Việt kiều, cũng là một doanh nhân khá thành đạt liên quan đến lĩnh vực dầu khí (vì tế nhị ông xin phép không nêu tên), cho biết không ít lần đi ký kết hợp đồng lớn, công ty của ông phải thuê nguyên cả chuyên cơ chỉ để chở năm, ba người của công ty bay từ Việt Nam sang châu Phi với giá không hề rẻ.

 

Đại diện hãng hàng không Pacific Airlines cho hay trong năm qua, hãng này cũng nhận được khá nhiều đơn đặt hàng và đã phục vụ các chuyến bay thuê chuyến của các tập đoàn nước ngoài. Thậm chí có doanh nghiệp trong nước bao nguyên chuyến bay để phục vụ chở khách đi dự hội thảo, hội nghị. Gần đây nhất phải kể đến Tập đoàn Coca-Cola hay một tập đoàn xây dựng của Hàn Quốc thuê nguyên chiếc từ Tp.HCM đi Đà Nẵng để phục vụ công việc.

 

Về giá cả, đại diện Pacific Airlines cho biết tùy theo chặng bay dài hay ngắn để tính chi phí nhưng thường thì tiền thuê nguyên chuyên cơ cao hơn hẳn các chuyến bay thông thường. “Các chuyến bay chở khách thông thường đã có kế hoạch bay đi-về, còn với máy bay thuê thì chỉ tính một chiều, chiều quay về bay không. Do đó, nếu tính chi phí theo đầu người thì nó sẽ cao hơn rất nhiều” - vị này nói.

 

Tuy nhiên, điều tiện lợi mà doanh nghiệp có được là thay vì phụ thuộc vào lịch bay của các hãng hàng không thì họ chủ động được thời gian. Đơn cử như một tập đoàn kinh tế lớn, buổi chiều đang họp ở Tp.HCM nhưng buổi tối cần bay ra Hà Nội để ký kết một hợp đồng lớn mà lợi nhuận lớn hơn gấp nhiều lần so với giá thuê máy bay thì họ sẽ không ngần ngại gì.

 

Được phép sở hữu máy bay riêng

 

Vừa qua, hãng sản xuất Bombadier (Canada) vừa chính thức mời chào chiếc máy bay hạng thương gia LearJet 60 XR tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) với giá khoảng 14,5 triệu USD. Đây là bước thứ hai nhằm tiếp thị thị trường.

 

Cuối năm ngoái, ông phó chủ tịch của tập đoàn này, đồng thời là một người gốc Việt đã về nước giới thiệu chiếc chuyên cơ CRJ900 có giá khoảng 20 triệu USD. Đối tượng mà Bombadier nhắm đến là giới doanh nhân, những người bận rộn thường xuyên di chuyển bằng máy bay.

 

Nhiều chuyên gia hàng không cho rằng Việt Nam là một thị trường khá tiềm năng, nền kinh tế phát triển, số lượng người giàu ngày càng tăng lên. Đây là cơ hội tốt để các hãng sản xuất máy bay đưa dòng máy bay hạng nhỏ vào thị trường.

 

Việt Nam đã bắt đầu mở cửa cho phép hãng hàng không tư nhân được tham gia thị trường. Tuy nhiên, hiện chưa có một cá nhân nào sở hữu chuyên cơ.

 

Ông Lại Xuân Thanh - Cục phó Cục Hàng không Dân dụng cho biết Luật Hàng không cho phép cá nhân hoàn toàn có thể sở hữu riêng máy bay, miễn là phải đảm bảo các điều kiện về độ an toàn, chứng chỉ bay... Thuế nhập khẩu đối với máy bay và các phụ tùng máy bay hiện tại là 0%.

 

Tuy vậy, đại diện của một hãng hàng không trong nước cho rằng tuy luật không cấm tư nhân sở hữu máy bay nhưng dù sao việc mua máy bay riêng để phục vụ công việc làm ăn đòi hỏi doanh nghiệp phải có nhân sự lẫn kế hoạch sử dụng máy bay hợp lý và tính toán về lợi ích kinh tế.

 

Doanh nghiệp không dại gì bỏ ra một đống tiền mua một chiếc máy bay chỉ để hàng tháng, thậm chí cả năm trời mới bay một chuyến. Vì vậy, việc thuê nguyên chuyến bay của các hãng hàng không vẫn là phương án hợp lý và khả thi nhất hiện nay.