Thủy sản không có tiền Việt để duy trì sản xuất

13:58, 11/03/2008

Đó là khẳng  định của PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP).

Theo ông Dũng thì do rất khó vay tiền mặt ở thời điểm hiện nay nên nhiều hộ đã chọn giải pháp bán “cá non” để thu hồi vốn nhanh hơn. Thế nhưng dù người dân có nhu cầu bán thì nhiều doanh nghiệp thủy sản lại không thể mua vì không có đủ tiền mặt để thanh toán.

 

Việc thanh toán các lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp ngành thủy sản phần lớn dựa trên USD, nhưng các ngân hàng lại đang chủ trương hạn chế mua USD và mua với tỷ giá thấp, nên nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng có dư ngoại tệ trong tài khoản nhưng không bán được cho ngân hàng trong khi vẫn phải vay vốn tiền đồng với lãi suất cao hơn trước đây (do các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất cho vay lên 1,1 - 1,4%/tháng, thậm chí cao hơn).

 

Nhiều doanh nghiệp đang phải chịu lỗ để duy trì sản xuất và thực hiện các đơn hàng đã ký với khách hàng trước đây.

 

Nhưng việc giá nguyên liệu thủy sản xuống thấp sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp khi người dân bỏ nuôi tôm, cá?

 

Hiện tại, vấn đề các doanh nghiệp thủy sản đang gặp phải là thiếu tiền đồng để mua nguyên liệu chứ không phải thiếu nguyên liệu, nhưng nếu không nhanh chóng cải thiện tình hình thì nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất cho vụ sau là điều chắc chắn, thậm chí sẽ rất nghiêm trọng. Bởi, nuôi trồng thủy sản có vốn đầu tư rất lớn và nếu người dân bị lỗ chỉ 1-2 vụ thì họ khó có thể tiếp tục đầu tư cho vụ tiếp theo.

 

Ông Dũng cho rằng để khắc phục khó khăn trước mắt của các doanh nghiệp thủy sản vấn đề nóng nhất cần phải tháo gỡ cho các doanh nghiệp hiện nay chính là giảm “cơn khát” tiền đồng để doanh nghiệp có vốn lưu động quay vòng thu mua kịp thời nguyên liệu cho người dân, trả lương công nhân và các chi phí sản xuất khác.

 

Do đó, VASEP đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại mua toàn bộ số ngoại tệ mà các doanh nghiệp đã thu được từ xuất khẩu bằng đúng tỷ giá do Nhà nước công bố, không tăng lãi suất cho vay và cho doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu vay đủ tiền mặt để có thể mua hết sản lượng nuôi trồng và khai thác của ngư dân.

 

Đồng thời, cần tìm mọi biện pháp giảm các chi phí gián tiếp và chi phí dịch vụ cho các doanh nghiệp thủy sản trong điều kiện chi phí đầu vào, vận chuyển đều tăng cao. Còn hiện tại, mỗi container hàng thủy sản phải chịu tổng chi phí kiểm tra lên đến cả ngàn USD là rất cao so với các quốc gia khác...

 

Về lâu dài cần phải thay đổi phương thức thanh toán theo các quan hệ kiểu tiền - hàng thanh toán nóng như thế này này bằng một phương thức sản xuất và thanh toán ưu việt hơn, đã được áp dụng rất có kết quả ở nhiều nước có ngành nông nghiệp và thủy sản phát triển.

 

Đó là phương thức liên kết các chủ thể trong chuỗi sản xuất (tạo nên chuỗi giá trị) theo quan hệ chiều dọc (liên kết dọc), trong đó ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu và các doanh nghiệp này sẽ là đầu mối hợp đồng với nhà sản xuất và dịch vụ cung cấp thức ăn, dịch vụ thú y, giống... cho người nuôi và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của người nuôi khi đến vụ thu hoạch.

 

Phương thức liên kết và thanh toán này sẽ hạn chế bớt vai trò của công cụ tiền mặt trong các thanh toán trực tiếp, thay vào đó, sử dụng chuyển khoản giữa các chủ thể kinh tế và trong hệ thống ngân hàng...

 

Thực tế, đã có một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản ở Việt Nam như Agifish An Giang triển khai mô hình này. Trong mấy năm vừa qua, VASEP đã nỗ lực khuyến khích và hỗ trợ việc xây dựng các hình thức liên kết dọc giữa các doanh nghiệp hội viên và nông ngư dân