Toàn cầu hóa lạm phát?

09:03, 30/03/2008

Lạm phát đang lan rộng trên phạm vi toàn cầu, từ những khu vực kém phát triển nhất thế giới như châu Phi, tới những nền kinh tế đầu tàu như Nhật Bản và Mỹ, “cơn lốc” lạm phát đang thỏa sức hoành hành.

Theo số liệu chính thức của cơ quan thống kê Zimbabwe, tỷ lệ lạm phát tại quốc gia châu Phi này là 66.000% trong năm 2007. Còn tính ở thời điểm tháng 3 này, tỷ lệ lạm phát ở đây đã là 100.000% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Một lít xăng ở Zimbabwe đầu tuần có giá 25 triệu đôla Zimbabue, cuối tuần có giá 30 triệu, sang tuần sau có giá 40 triệu! Một ổ bánh mỳ có giá 10 triệu! Còn lương bình quân của một công nhân nông trại là 30 triệu!

 

Không ai rõ Chính phủ Zimbabwe đã tính tỷ lệ lạm phát theo cách nào vì trong các cửa hàng ở nước này hầu như chẳng có thứ gì để bán, nhưng những chỉ số này cho thấy, chắc chắn Zimbabwe là nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới hiện nay.

 

Đây rõ ràng là lý do tuyệt vời để những người đứng đầu các ngân hàng trung ương trên thế giới có thể tổ chức một cuộc họp về chủ đề lạm phát ở Harare, thủ đô của Zimbabwe. Nhưng thực ra, vẫn còn những lựa chọn tuyệt vời khác, tuy có phần “kém” hơn Harare chút ít, để tổ chức một sự kiện như vậy.

 

Lạm phát ở Nga, Việt Nam, Argentina và Venezuela hiện đều “vững vàng” ở mức 2 con số. Và đó mới chỉ là một vài trong rất nhiều ví dụ.

 

Đến cả Nhật Bản, một nước từ lâu vẫn diễn ra tình trạng giảm phát (giá cả đi xuống), đến lúc này lạm phát cũng đã xuất hiện. Tháng 2 vừa qua, lạm phát của Nhật là 1%, cao nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Tuy nhiên, có nhiều khả năng Nhật Bản sẽ tiếp tục hạ thay vì tăng lãi suất đồng Yên vì lo ngại nền kinh tế trong nước sẽ rơi vào suy thoái theo kinh tế Mỹ.

 

Tại Trung Quốc, các cơ quan chức năng cũng đang hết sức lo ngại về tỷ lệ lạm phát ở mức trên 7%, ngang với mức ở Ấn Độ. Hiện Trung Quốc đã phải áp đặt các biện pháp kiềm chế giá cả.

 

Năm ngoái, tỷ lệ lạm phát tại Mỹ - nền kinh tế số một thế giới - là 4%, cao kỷ lục trong 17 năm qua.

 

Nhiều người đứng đầu ngân hàng trung ương và kinh tế học cho rằng, tốc độ lạm phát tăng vọt trên phạm vi toàn cầu chỉ là một hiện tượng nhất thời do giá thực phẩm, nhiên liệu và các nguyên vật liệu đầu vào tăng cao.

 

Đúng là giá nhiều loại nguyên vật liệu đầu vào chủ chốt từ đầu năm đến nay đã tăng 25 - 50%. Nhưng nếu các ngân hàng trung ương cho rằng, lạm phát chỉ đơn thuần là sản phẩm của tình trạng thiếu hụt nguồn cung hàng hóa trong ngắn hạn, thay vì do chính sách tiền tệ lỏng lẻo, có lẽ họ đã nhầm.

 

Và có một sự thật là, lạm phát và cả các dự báo lạm phát tại phần lớn các quốc gia trên thế giới sẽ còn tăng cao, trừ phi các ngân hàng trung ương bắt đầu áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt.

 

Nước Mỹ hiện chính là nơi mà lạm phát được “xuất khẩu” đi toàn thế giới. Phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhà đất và tín dụng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã phải liên tục cắt giảm lãi suất trong thời gian qua để ngăn nền kinh tế khỏi rơi vào suy thoái. Và tác dụng phụ của chính sách này chắc chắn sẽ là mức độ lạm phát cao hơn, thậm chí trong vòng nhiều năm.

 

Lạm phát tại Mỹ sẽ được kiềm chế bên trong biên giới nước Mỹ nếu như không có quá nhiều nước từ Trung Đông cho tới châu Á neo buộc đồng tiền của họ vào USD. Các quốc gia khác như Nga và Argentina, trên danh nghĩa không neo buộc đồng nội tệ vào USD, nhưng trên thực tế lại cố gắng ngăn không cho tỷ giá giữa USD và đồng nội tệ biến động quá mạnh.

 

Kết quả là, bất cứ khi nào FED cắt giảm lãi suất, các nước trong “khối USD” này cũng chịu áp lực phải cắt giảm lãi suất theo, vì lo ngại đồng nội tệ sẽ bị lên giá do giới đầu tư tìm kiếm mức lợi nhuận cao hơn. Theo "cơ chế" này, chính sách tiền tệ nới lỏng của Mỹ đã góp phần thúc đẩy lạm phát tại khoảng 60% số nước trên thế giới. Nhưng cho dù kinh tế các nước Trung Đông và châu Á hiện đều tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhiều so với nước Mỹ và lạm phát tại các nền kinh tế đang nổi lên đều đã tăng cao, chính sách kích thích tiền tệ tích cực lại là thứ mà nước Mỹ cần lúc này.

 

Đề cao nhiệm vụ chống lạm phát, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chủ trương tăng lãi suất. Nhưng có lẽ ECB sẽ dừng lại việc tăng lãi suất vì lo ngại nếu tiếp tục tăng làm vậy, Euro sẽ còn tăng giá cao hơn nữa so với USD. Và nếu kinh tế Mỹ suy thoái thật, ECB cũng sẽ phải bắt đầu cắt giảm lãi suất.

 

Vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Nếu kinh tế Mỹ chuyển từ suy thoái nhẹ sang suy thoái sâu, những áp lực giảm phát trên phạm vi toàn cầu sẽ hóa giải bớt những áp lực lạm phát mà thế giới đang phải đối mặt. Giá các loại nguyên vật liệu khi đó sẽ sụt giảm và giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ sẽ ngừng tăng do tỷ lệ thất nghiệp công suất dư thừa tăng lên.

 

Nhưng dĩ nhiên, một giai đoạn suy thoái của kinh tế Mỹ sẽ khiến FED phải tiếp tục cắt giảm lãi suất thêm nữa, khiến vấn đề lạm phát rốt cục sẽ trầm trọng hơn.

 

Còn nếu kinh tế Mỹ chỉ suy thoái nhẹ trong khi kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục tăng mạnh, những áp lực lạm phát sẽ vẫn nặng nề thêm. Trong trường hợp đó, tốc độ lạm phát sẽ dễ dàng đạt tới mức của những năm 1980, nếu không muốn nói là mức của những năm 1970 tại phần lớn các quốc gia trên thế giới.

 

Tới lúc này, nhiều người cho rằng, thà lạm phát cao trong một vài năm còn hơn là suy thoái nhẹ trong một thời gian ngắn. Nhưng có lẽ họ đã quên mất những cái giá phải trả do lạm phát cao và việc khó khăn thế nào để giải quyết được tình trạng đó.