Tôi đi mua nhà ở Singapore

10:45, 11/03/2008

Thị trường bất động sản ở Singapore không nóng như tại nước ta nhưng cũng đang bắt đầu được các nhà đầu tư Việt Nam quan tâm.

Đã có không ít người Việt Nam sang đây mua nhà với nhiều mục đích khác nhau. Trong vai khách hàng đi tìm hiểu, phóng viên đã xâm nhập vào thị trường mới mẻ này.

Chuyện của cô gái trẻ

Tôi được Hương Ly, Giám đốc Công ty Viễn Khai (Tp.HCM), sắp xếp cho chuyến sang Singapore. Đó là một cô gái trẻ, xinh đẹp nhưng đã có “thâm niên” sống gần bảy năm ở đảo quốc sư tử này. Công ty cô hiện đang đại diện môi giới tại Việt Nam cho tập đoàn Far East của Singapore và cho một công ty khác cũng về bất động sản ở Úc.

Chuyện cô theo nghề dịch vụ nhà đất cũng khá thú vị. Ly nói vui với tôi rằng có lẽ do cô có cái “duyên” với nhà đất thì phải. Sau khi tốt nghiệp quản trị kinh doanh chuyên ngành marketing ở Singapore, cô ở lại “đầu quân” cho một công ty điện tử của Đài Loan. Đang yên vị như vậy thì bỗng một hôm có người quen nhờ bán gấp căn hộ. Sực nhớ là có hai vợ chồng người Hà Lan nọ vừa than chưa tìm được căn nhà vừa ý và vừa túi tiền, Ly liền gọi ngay cho họ. Cuộc mua bán thành công chóng vánh một cách không ngờ với thời gian giao dịch chỉ chưa đầy 24 giờ.

Không những thế, người bán lẫn người mua và cả... Ly nữa đều hài lòng. Bên bán hài lòng vì bán được với giá cao hơn giá thẩm định, còn bên mua thì lời đến 15% vì sau đó hai tháng thị trường bất động sản nóng lên, giá căn hộ cũng tăng theo. Riêng Ly, theo thông lệ, được bên bán “thưởng” cho 1% trị giá hợp đồng mua bán với số tiền không nhỏ: 7.000 đô la Singapore (1 đô la Singapore tương đương khoảng 11.261 đồng Việt Nam).

Sau sự kiện bất ngờ đó, thấy Ly có vẻ “mát tay” một số người quen, bạn bè cũng nhờ cô mai mối, gửi bán hoặc nhờ mua. Lại mấy vụ thành công tiếp khiến cho cô càng có nhiều “mối”, người này giới thiệu người kia riết rồi “dính” vào nhà đất lúc nào không hay. Đặc biệt, trong số “mối” của mình, có cả những người từ Việt Nam sang. “Họ mua làm gì vậy?” - tôi ngạc nhiên. “Phần lớn là các gia đình mua cho con em sang đây học, vì không muốn thuê nhà phiền phức, đắt đỏ. Thậm chí, sau đấy có người còn tận dụng cho thuê nhà lại nữa đấy” - Ly trả lời.

Mấy vụ mai mối về nhà đất khiến cô giật mình trước một tiềm năng gần như chưa được khai phá: nhu cầu mua nhà của người Việt Nam ở Singapore. Thế là Ly quyết định nghỉ việc ở công ty, chuyển qua nghề môi giới bất động sản kèm theo cả dịch vụ du học.

Tuyệt nhưng đắt

Thị trường bất động sản ở Singapore có thể chia ra hai khu vực.

Khu vực thứ nhất chuyên giao dịch các loại nhà ở do nhà nước xây mà dân ở đây thường gọi là nhà của HDB (HDB là cơ quan đảm nhiệm chương trình phát triển nhà của Singapore). Loại này chiếm đến khoảng 80% lượng giao dịch nhưng chỉ có người Singapore và những người nước ngoài có thẻ PR (tương tự như hộ khẩu thường trú ở Việt Nam) được mua bán.

Hai, là khu vực nhà đất tư nhân (do các nhà thầu tư nhân xây và bán) chiếm khoảng 20% lượng giao dịch. Loại này ai cũng được quyền mua bán, kể cả người nước ngoài. Nicholas Mak, Giám đốc Knight Frank, một công ty chuyên về tư vấn địa ốc, cho tôi biết giữa người Singapore và người nước ngoài chỉ có một khác biệt nhỏ: người Singapore được vay tới 90% giá trị căn nhà trong khi người nước ngoài chỉ được vay tối đa 70%. Lúc tôi sang, một tờ báo ở Singapore đưa tin thị trường nhà đất tư nhân đang thu hút nhiều nhà đầu tư, trong đó có tới 30% giao dịch đến từ những người mua nước ngoài.

Tập đoàn Far East mà Ly giới thiệu cho tôi là nhà thầu tư nhân lớn nhất nhì ở Singapore. Ng Teng Fong, ông chủ của tập đoàn này, từng xuất hiện trên báo chí Việt Nam khi trở thành một trong những người giàu nhất khu vực Đông Nam Á và mới đây, vào năm 2007, được tạp chí Forbes xếp vào danh sách những người giàu nhất thế giới với tài sản trên 6 tỉ đô la Mỹ.

Tôi được đưa coi năm dự án nhà ở của Far East. Tất cả đều đồ sộ và độc đáo. Ngày đầu tiên là một chung cư cao trên 40 tầng, tọa lạc tại vị trí khá đẹp với tầm nhìn thẳng ra vịnh. Nhân viên makerting dẫn tôi vào một căn hộ trên tầng 41. Căn hộ được trang bị sẵn mọi thứ đồ gia dụng cần thiết từ bàn, ghế, giường, nệm, máy lạnh, bếp... và chỉ cần trao chìa khóa là người mua có thể đến ở ngay. Tất cả vật dụng cũng như vật liệu xây dựng đều rất đa dạng và sang trọng.

Sự hợp lý về mặt thiết kế cũng là điều đáng nói. Diện tích căn hộ ở đây được tận dụng chi li đến từng cen ti mét. Tại phòng khách, khi người hướng dẫn kéo bức vách bằng gỗ ra để lộ một ti vi màn hình phẳng to tướng trong đó thì tôi mới biết mọi thứ đã được giấu kỹ vào các tủ âm tường. Chỉ những vật dụng không thể giấu được hoặc không cần giấu như bàn, ghế, giường, bếp... thì mới cho lộ thiên ra ngoài. Cách bố trí khiến ta bước vào căn hộ như bước vào một phòng nghỉ tại khách sạn vậy.

Tuy nhiên, khi người hướng dẫn nói về giá bán tôi thật sự bị “choáng”. Căn hộ mà tôi coi diện tích chỉ 105 mét vuông, thuộc vào vị trí trung bình, đã có giá lên tới tương đương 1,4 triệu đô la Mỹ (tương đương 213 triệu đồng/mét vuông)! Mặc dù được một nhân viên ở Bộ Xây dựng Singapore nói rằng chính phủ của họ phải mua đất từ Campuchia, Malaysia... về để lấn biển nên đất ở đây quý hơn vàng nhưng tôi cũng không thể tưởng tượng lại đắt đỏ đến vậy.

Thế mà mức giá này vẫn chưa nhằm nhò gì so với dự án tiếp theo mà tôi đến, dự án nhà ở Orchad Scotts. Dự án này được xây dựng với ý tưởng biến nó thành một chung cư tương đương khách sạn 6 sao. “Ngoài việc sở hữu căn hộ, bạn còn được sử dụng các dịch vụ 24/24 giờ của chung cư từ lau nhà; phòng hát karaoke; phòng uống rượu; hút xì gà; phòng tắm hơi; phòng tập thể dục, hồ bơi...

“Tất cả giống như một khách sạn và còn hơn thế nữa” - người hướng dẫn của Far East tự hào nói. Ông ta đút cái thẻ từ vào khóa, thang máy mở ra mời gọi tôi bước vào. Căn phòng hiện lên với những đồ vật lộng lẫy, sang trọng khó tả. “Chỉ riêng một cái bàn cầu chúng tôi đã phải mua với giá 1.100 đô rồi đấy” - người hướng dẫn nói. “Còn giá bán?”. Mặc dù đã lên dây cót tinh thần trước nhưng tôi chỉ còn biết đứng như trời trồng khi được thông báo giá một căn ở đây từ 5-21 triệu đô Singapore.

“Vậy, đã có ai mua chưa?”. “Chúng tôi đã bán được 40% căn hộ. Người mua nước ngoài chủ yếu là Mỹ, Anh, Thụy Điển, Indonesia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc...”. “Còn người Việt Nam?” - tôi rụt rè hỏi. “Có, đã có hai căn bán cho người Việt Nam” - người hướng dẫn nhanh nhảu. Lại thêm một cú sốc nữa.

Tiềm năng Việt Nam

Hương Ly nói rằng ngay cả lãnh đạo của Far East, thoạt đầu cũng như tôi, không dám tin là người Việt Nam sẽ dám bỏ ra hàng triệu đô la để mua những căn hộ cao cấp ở Singapore. Thế nhưng, bây giờ họ đã nghĩ khác.

Sau chuyến đi, tôi được gặp ông Chia Boon Kuah, Giám đốc điều hành Far East và có hỏi ông về vấn đề này. Con người rất nổi tiếng trong giới kinh doanh bất động sản ở Singapore thừa nhận Việt Nam là một thị trường tiềm năng. “Trong năm năm gần đây ở Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều người giàu có. Một tầng lớp giàu có khác nữa là những Việt kiều trở về nước tìm cơ hội đầu tư”.

Ông Chia Boon Kuah cho rằng người Việt Nam có thể lựa chọn mua nhà ở Singapore với những mục đích khác nhau: lập nghiệp, học hành, mua đi bán lại hoặc để cho thuê. Bốn khu vực, Orchard Road, vịnh Marina, Bukit Timah và East Coast, theo ông, là những khu vực gần trung tâm, có giá trị cho thuê rất cao và rất tốt cho việc đầu tư.

Về thủ tục mua bán, vị giám đốc cho biết chỉ cần làm trong hai tiếng là xong. Ngoài ra, chính sách của Singapore rất thông thoáng. Người nước ngoài được quyền chuyển tiền vào hoặc rút tiền khỏi Singapore một cách tự do cũng như không bị đánh thuế khi chuyển nhượng (chỉ đóng một khoản duy nhất là thuế trước bạ và phí luật sư). Lãi suất vay ngân hàng cũng khá hấp dẫn, người mua nhà chỉ phải trả từ 2,8-3%/năm.