Xây dựng Thương hiệu quốc tế cho gạo VN

09:01, 27/03/2008

Trúng mùa, được giá, gạo VN đang gặp nhiều thuận lợi trên thị trường thế giới. Đây là thời cơ để xây dựng thương hiệu mang tầm quốc tế cho hạt gạo VN

Tại các tỉnh thuộc vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, cùng mùa vụ này các năm trước, được mùa lắm cũng chỉ đạt khoảng 5,5 tấn/ha; nhưng mùa vụ năm nay, bình quân năng suất lúa thu hoạch lên tới 6,5 tấn/ha. Cá biệt, tại một số địa phương như huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) có năng suất lúa bình quân cao kỷ lục: gần 7 tấn/ha. Đồng thời, giá bán cũng tăng thêm khoảng 1.000 đồng/kg. Ông Phạm Văn Thơm (xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông), hộ nông dân đạt năng suất 7,5 tấn/ha, cho biết với mức giá trung bình 4.300 đồng/kg, vụ này nhiều nông dân ở địa phương đã lời được khoảng 20 triệu đồng/ha, cao hơn 10 triệu đồng/ha so với các mùa vụ trước.

 

Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), giá lúa thu mua tối thiểu theo điều hành của VFA là 4.000 đồng/kg, cao hơn 800 đồng/kg so với năm trước và có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

 

Không chỉ nông dân trúng mùa mà các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cũng vui mừng khi giá gạo xuất khẩu tăng cao. Đầu năm 2008, giá gạo 5% tấm xuất khẩu được chào bán theo giá FOB là 355 USD/tấn; đến khoảng giữa tháng 1, giá tiếp tục tăng thêm 40 USD/tấn. Không dừng lại ở đó, từ giữa tháng 2, giá gạo VN xuất khẩu đã lên mức 460 USD/tấn. Theo đánh giá của các DN, đây là mức giá cao nhất trong vòng 34 năm qua, kể từ năm 1974.

 

Không chỉ tăng mạnh mà lần thứ hai kể từ quý IV/2007, gạo VN đã qua mặt gạo Thái Lan về giá, trong khi cùng kỳ năm trước, giá gạo Thái Lan tăng 71%-73% thì giá gạo VN cũng đã tăng 77%-82%. Sắp tới, với điều kiện thiên nhiên thuận lợi cũng như tình hình cung - cầu về gạo thế giới, gạo VN sẽ có nhiều lợi thế. Theo dự báo, ngoài Thái Lan, nhiều quốc gia xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Pakistan sẽ giảm cung hoặc ngưng xuất khẩu do lo ngại thiếu lương thực. Một số quốc gia khác như Philippines, Indonesia, Trung Quốc và nhiều nước châu Phi sẽ tăng lượng nhập để bù vào phần thiếu hụt lúa mì, bắp...; trong khi VN dự kiến cũng chỉ xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo như năm ngoái nên giá gạo sẽ còn tiếp tục tăng.

 

Theo ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương, hiện một số nước có yêu cầu tăng lượng gạo nhập khẩu nhưng VN chưa thể đáp ứng được.

 

Vì vậy, dù có nhiều lợi thế như trúng mùa, được giá cao nhưng GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng muốn tạo thương hiệu cho gạo VN thì phải khắc phục ba yếu tố. Thứ nhất, DN xuất khẩu gạo chưa có toàn quyền để quyết định thị trường bán gạo. Thứ hai, DN xuất khẩu gạo vẫn chưa tạo được vùng nguyên liệu đủ lớn để có thể chủ động về sản lượng xuất khẩu. Thứ ba, chất lượng gạo chưa đồng đều, chưa thuần chủng.

 

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, thực chất ba vấn đề trên có thể được xem là một nếu giải quyết được yếu tố đầu tiên. Bởi kèm theo việc toàn quyền quyết định thị trường đầu ra, DN sẽ chủ động tìm vùng nguyên liệu thích hợp, đồng thời thiết lập hệ thống thiết bị máy móc sản xuất đồng bộ từ đầu đến cuối như máy gieo sạ, máy gặt, máy xay...