Đại gia chứng khoán đi buôn...gạo

07:21, 17/04/2008

Chứng khoán hiện không phải là nơi “hốt tiền”, giá vàng phập phù và đang ở mức “nhạy cảm”, bất động sản không còn là kênh đầu tư hấp dẫn và đang đứng trước nhiều thách thức, gửi tiết kiệm thì lãi suất thực bị âm vì lạm phát cao.

Trước tình hình đó, nhiều nhà đầu tư chứng khoán đang tính đến kênh đầu tư mới, nhưng đầu tư vào lĩnh vực nào, đó là câu hỏi tương đối khó trả lời đối với nhiều người.

 

Nay thì nhiều nhà đầu tư thay vì “bám sàn” đã đi về các vùng quê “săn lùng”… gạo để đầu cơ giá lên.

 

Theo lý giải của một nhà đầu tư (xin được giấu tên), trong bối cảnh hiện nay, việc tìm ra một kênh đầu tư để kiếm tìm lợi nhuận cao và nhanh là tương đối khó. Trong khi đó, giá lương thực thực phẩm thì ngày một tăng, xu hướng tăng cả ở Việt Nam và thế giới, nên theo anh, đầu tư vào gạo là một giải pháp hết sức phù hợp, với mức lợi nhuận anh kỳ vọng từ nay đến cuối năm sẽ là trên 30%.

 

Anh lý giải thêm, năm nay năng suất của cây lúa ở miền Bắc sẽ thấp hơn năm trước do thời tiết không thuận lợi, sắp tới không loại trừ đến nhân tố thiên tai, dịch bệnh sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến vụ mùa… nên lượng cung có thể sẽ giảm, trong khi cầu trong nước không đổi, thậm chí tăng lên, hơn nữa nhu cầu gạo trên thế giới cũng đang tăng mạnh.

 

Cùng hướng đi với nhà đầu tư nêu trên, anh Đỗ Viết Tùng, một nhà đầu tư chứng khoán cũng đã kịp mua “thử” vài chục tấn thóc, gạo và đang chờ cơ hội giá lên để bán ra.

 

Anh lập luận thêm, việc có người nhà ở Thái Bình và Nam Định tạo thuận lợi cho việc chọn mua thóc và gạo, hơn nữa anh “khoe” nhờ có thân quen nên có nhiều mối bán lẻ gạo, bởi vậy vấn đề đầu ra không gặp khó khăn.

 

Vì mua được giá “gốc”, nên anh Tùng tin rằng nếu bán ngay cũng mang lại khoản lợi nhuận kha khá, nhưng mục tiêu của anh là chờ giá lên để bán.

 

Đề cập đến rủi ro, anh phân tích: tính “thanh khoản” của gạo đang tốt hơn… chứng khoán vì nhu cầu về gạo là có thực và bền vững. Trong khi cầu chứng khoán có thể giảm mạnh khi thị trường có biến động, thậm chí muốn bán giá sàn cũng không thể khớp được lệnh…

 

“Có thể bán gạo ở mức giá hợp lý với anh em bạn bè, nhưng sẽ khó hoặc phải trả giá về mối quan hệ nếu bán cổ phiếu chưa niêm yết cho họ khi thị trường đi xuống”, anh Tùng nói.

 

Thực tế, thông tin về việc nhiều nhà đầu tư chứng khoán rủ nhau đi buôn gạo đã và đang rộ lên, thậm chí các diễn đàn chứng khoán trên mạng đã bàn luận nhau nhiều về vấn đề này.

 

Ông Lê Ngọc Dũng, phụ trách chuỗi siêu thị Mini của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đánh giá, giá gạo từ đầu năm tới nay đã tăng từ 20 đến gần 50% tùy từng loại. Việc tăng giá gạo được các nhà cung cấp liên tục đẩy lên vì nhiều lý do và bằng nhiều “chiêu bài” khác nhau.

 

“Họ lấy lý do giá gạo thế giới tăng, nguồn cung hạn chế… để tăng giá, thậm chí họ “làm giá” bằng cách báo giá gạo tăng lên, nhưng khi chúng tôi vẫn quyết định mua để đáp ứng nhu cầu thị trường thì họ báo lại “hết hàng” và chỉ chấp nhận giao hàng khi chúng tôi trả mức giá cao hơn mức họ “làm giá” với chúng tôi”, ông Dũng nói.

 

Câu chuyện buôn gạo của hai trường hợp nêu trên chỉ là những trường hợp cá biệt, nhưng dường như đang đại diện cho không ít các nhà đầu tư chứng khoán có ý định chuyển hoặc rút bớt phần vốn từ chứng khoán sang buôn các mặt hàng khác.