Về Hồng Tiến (Phổ Yên) hôm nay, những thửa ruộng, khu vườn được phủ kín một màu xanh mỡ màng của lúa, ngô, đậu tương, rau màu làm dịu đi cái nắng chói chang đầu hạ. Theo những con đường bê tông quanh co, chúng tôi cảm nhận cuộc sống nơi đây đã và đang đổi khác từng ngày, từng giờ.
Vẫn đồng đất ấy, vẫn con người ấy nhưng nhờ đổi mới tư duy, mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT, người dân xã Hồng Tiến đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng làm giàu cho mình và xã hội.
Ông Nguyễn Văn Long, trưởng xóm Thành Lập “khoe” với chúng tôi: Xóm Thành Lập có 180 hộ dân, trong đó 2/3 số hộ chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Với trên 40 ha đất nông nghiệp, từ năm 2000, người dân trong xóm đã mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những giống cây mới cho năng suất, chất lượng cao vào thay thế những giống cũ đã thoái hoá. Các giống cây trồng như đậu tương DT 84, DT 96, DT 99; lạc L14; lúa Khang Dân, U17, lúa lai, rau bí, su hào, su su, súp lơ, bắp cải… đã khẳng định vị thế của mình trên đồng đất này.
Diện tích lúa có xu hướng giảm dần, thay vào đó người dân trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao. Hiện nay, xóm có khoảng 10 ha cho thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên. Hai năm trở lại đây, 40 hộ dân trong xóm còn tham gia thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn với diện tích gần 2 ha. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, tham gia mô hình trên, nhận thức của người dân về rau an toàn còn được nâng lên rõ rệt. Ý thức về một nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá đang dần hình thành tại đây. Hiện xóm Thành Lập không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ khá và giàu chiếm tới trên 60%.
Cùng với Thành Lập, 13 xóm còn lại của xã Hồng Tiến cũng nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu cây trồng để bắt kịp với nhu cầu của thị trường hiện nay. Chỉ với trên 1.100 ha đất sản xuất nông nghiệp, xã thực hiện triển khai đồng bộ giữa công tác thuỷ lợi và áp dụng KHKT đưa những loại giống cây, con có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất để đẩy mạnh nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá.
Do đó, cơ cấu cây trồng được thay đổi, những loại cây có giá trị kinh tế cao như khoai tây, đậu tương, su hào, bắp cải, súp lơ, ngô nếp… giúp cho người dân tăng thu nhập bình quân đạt 30- 40 triệu đồng/ha đất canh tác.
Không những thế, xã Hồng Tiến còn chỉ đạo người dân tích cực thâm canh tăng vụ. Nếu như trước đây, trên đồng đất Hồng Tiến, người dân chỉ quan tâm sản xuất 2 vụ lúa (vụ xuân và vụ mùa) hoặc 1 lúa- 1 màu thì giờ đây vụ đông đang dần trở thành 1 trong 3 vụ sản xuất chính trong năm.
Nhờ tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ, các mô hình cho thu nhập cao từ 50 triệu đồng trở lên của xã dần xuất hiện chiếm khoảng trên 50 ha với các công thức luân canh như: Lúa xuân- mùa sớm- khoai tây; lúa xuân- mùa sớm- ngô nếp; đỗ tương xuân- mùa sớm- rau; rau- lúa mùa sớm- rau; trồng 3 vụ rau…
Trong thời gian tới, Hồng Tiến tiếp tục chỉ đạo người dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng mở rộng diện tích lúa mùa sớm, mùa trung, phát triển cây trồng vụ đông. Đồng thời, xã tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao KHKT mới vào sản xuất để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất sản xuất.