Lương Sơn đổi mới.

08:23, 25/04/2008

Bộ mặt nông thôn ở Lương Sơn, T.P Thái Nguyên đang từng ngày đổi mới. Ít năm nữa, Lương Sơn sẽ là khu du lịch sinh thái của tỉnh, với những biệt thự, căn hộ cao cấp, khu trang trại, khu tái định cư, trường học chất lượng vùng và quóc tế và khu trung tâm thương mại...

Vừa gặp, ông Dương Tuấn Hợi, Chủ tịch UBND xã Lương Sơn (T.P Thái Nguyên) đã thông báo tin vui: Nhà văn hoá của nhân dân xóm 5 Tân Sơn vừa được xây dựng hoàn thiện, với tổng kinh phí 180 triệu đồng... Như vậy, đầu năm 2008 này, 100% số xóm của xã Lương Sơn đã có nhà văn hoá làm nơi hội họp, và 100% nhà văn hoá đều do nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng, trong đó nhà văn hoá xóm 5 Tân Sơn và nhà văn hoá xóm Bần, người dân tự nguyện đóng góp tiền mua đất.

 

Với người dân xã Lương Sơn, đó là niềm tự hào của hơn 11.000 công dân cùng đoàn kết sinh sống tại 24 xóm. Họ tự hào là được đóng góp tiền, của để xây dựng quê hương, dù một chút tiền từ bán cân thóc, con gà, nhưng đó là mồ hôi mỗi người đổi lại cho một sự đổi mới. Và sự đổi mới ấy được bắt đầu từ việc quan tâm của Đảng bộ, chính quyền nhân dân, đặc biệt là sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể đã từng bước đưa phong trào phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá mới ở khu dân cư vào nền nếp.

 

Ông Dương Tuấn Hợi cho biết thêm: Trên địa bàn hiện có 2/4 trường học đạt chuẩn quốc gia, 100% số trẻ em của xã đến lớp học đúng độ tuổi. Giao thông liên thôn, xóm được quan tâm mở mang, từ Quốc lộ 3 vào qua trung tâm xã đã xây dựng được 22 km đường bê tông. Năm 2007 đã có thêm 64 hộ thoát nghèo, còn  9,03 số hộ nghèo hiện nay được giao cho các tổ chức đoàn thể giúp đỡ, phấn đấu hết năm 2008 số hộ nghèo của xã giảm còn 8%...

 

Qua câu chuyện tôi còn được biết, năm 2007 xã Lương Sơn đạt tổng sản lượng lương thực có hạt hơn 4.569 tấn; thu ngân sách địa phương gần 1 tỷ đồng, đạt 170% kế hoạch trên giao; Trường tiểu học Linh Sơn xây dựng xong nhà 2 tầng 10 phòng học với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng; Trường tiểu học Lương Sơn đã tu sửa xong phòng học của 3 khu nhà xuống cấp, sân vận động… với tổng kinh phí gần 80 triệu đồng. Bằng nhiều giải pháp phát triển kinh tế như: Mở các lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho nông dân; phát triển thêm ngành nghề mới, tập quán canh tác của người dân đã từng bước chuyển đổi phù hợp với cơ chế thị trường.

 

Từ việc đưa giống mới vào sản xuất đại trà, năng xuất lúa, ngô hiện nay của xã đạt gần 40 tạ/ha; đậu, lạc các loại đạt 15 tạ/ha… tổng giá trị trên một ha đất canh tác đạt 20 triệu đồng. Một số hộ mạnh dạn đầu tư vốn vào phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi, điển hình như trang trại chăn nuôi gà thịt có quy mô 8.000 con trở lên của gia đình ông Trần Văn Cảnh, xóm Ga; Lương Văn Nhụ, xóm Ga và Dương Thị Tròn, xóm Tân Trung… Trên 100 hộ đầu tư vốn tham gia các hoạt động dịch vụ kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng và các mặt hàng thiết yếu với tổng vốn khoảng 5 tỷ đồng.