Tâm huyết, cởi mở, năng động...đó là ấn tượng về những người lính cũ trên mặt trận mới-xoá đói, giảm nghèo tôi gặp ở huyện Phú Bình. Họ là những cựu chiến binh (CCB) năng động, sáng tạo, biết làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Phó Chủ tịch Hội CCB, ông Dương Văn Cường tâm đắc: Trong quân ngũ họ là người lính tiên phong, không ngại gian khổ. Khi trở về địa phương, họ phấn đấu trở thành tấm gương sáng trong phong trào phát triển kinh tế...
Điển hình như CCB Nguyễn Xuân Cường, xóm Diễn đã căn cơ trở thành hộ làm kinh tế giỏi của xã Tân Đức. Tuy nhiên, để có cơ ngơi 300 m2 chuồng trại chăn nuôi, 10.000 m2 diện tích mặt nước nuôi cá và cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi hiện nay, các thành viên trong gia đình ông Cường đã phải bươn trải, lam lũ nhiều năm mới tạo dựng nên thành quả với mức thu gần 300 triệu đồng/năm. Tại xóm Trại Mới (Thượng Đình), CCB Lê Xuân Trường bằng mô hình kinh tế vườn, chuồng và dịch vụ, trung bình hằng năm đạt tổng thu trên 300 triệu đồng.
Trong ngôi nhà 8 gian khang trang khá đầy đủ tiện nghi của mình ở xóm Chám (Đào Xá), ông Nguyễn Văn Phảng cho biết: Làm kinh tế nông nghiệp phải biết cần, kiệm, lấy ngắn nuôi dài. Từ khu đất của ông bà để cho, tôi cải tạo ổn định thành vườn, bãi. Chỗ đất cao trồng cây ăn quả, khu đất trũng đào ao thả cá, lúc nông nhàn đi làm thuê... năm vừa qua gia đình có tích luỹ 36 triệu đồng.
Khác với CCB Phảng, ông Nguyễn Xuân Then, xóm Hoàng Mai (Tân Khánh), ruộng, bãi không nhiều, với số vốn 60 triệu đồng, trong đó có 20 triệu đồng vay Ngân hàng Chính sách xã hội, toàn bộ số vốn trên ông tập trung đầu tư chăn nuôi cá, lợn. Áp dụng đúng quy trình kỹ thuật do cán bộ khuyến nông hướng dẫn, số vốn ông đầu tư đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2007 gia đình ông đạt mức thu trên 100 triệu đồng.
Trong những năm gần đây, ở làng quê như Phú Bình, việc nông dân thu nhập tiền triệu mỗi năm không còn là của hiếm, nhất là với CCB. Bởi trong lao động, họ được tổ chức Hội quan tâm, trang bị kiến thức về KHKT trồng trọt, chăn nuôi. Và khi khó khăn, những đồng đội cũ kịp thời có mặt để động viên, giúp đỡ họ ổn định tư tưởng, làm giàu cho mình và xã hội...
Có trong tay trên 20.000 m2 đất, ngoài đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, CCB Nguyễn Văn Nguyên, xóm Tân Yên (Tân Thành) đầu tư vốn liếng mở xưởng chế biến gỗ, với số vốn lưu động trên 100 triệu đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Trừ chi phí đầu tư, chi trả tiền lương cho nhân công, khấu hao tài sản máy, gia đình ông Nguyên có tích luỹ gần 50 triệu đồng/năm.
Từ hơn mươi năm trước, CCB Dương Ngọc Cờ (Nhã Lộng) cũng gặp không ít khó khăn trong cuộc sống, nhưng bằng nghị lực, bằng sức lao động của mình, ông cùng các thành viên trong gia đình lặng lẽ vượt ngưỡng nghèo khó, để hôm nay, gia đình ông có được một cơ ngơi khang trang, với 300 cây ăn quả, 2.500 cây lấy gỗ, nuôi thường xuyên hơn 60 đầu lợn, hàng trăm con gà và 4 ha ao nuôi cá, hằng năm trừ chi phí đầu tư, gia đình ông có lãi gần 80 triệu đồng.
Bên Vực Giảng (Tân Hoà), CCB Hoàng Ngọc Thanh trở về sau 15 năm quân ngũ, nhìn mảnh đất rộng 15.000 m2, đã có lúc ông bằng lòng với cách làm đủ ăn của mình. Nhưng sau những lần tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT sản xuất, nghe chuyện hội viên làm kinh tế giỏi, trong ông dần bùng lên khao khát làm giầu. Mỗi năm một chút, bằng số tiền tích luỹ từ chăn nuôi, gia đình ông đã phát triển được 1 ha cây ăn quả, gần 2.000 m2 ao nuôi cá giống... năm 2007, mức thu nhập của gia đình ông đạt gần 100 triệu đồng.
Còn nhiều nữa những CCB ở Phú Bình làm kinh tế giỏi, họ lặng lẽ vượt khó khăn để đi đến đích của chuẩn mực hộ giàu. Mỗi người có một cách làm giàu riêng, nhưng điểm giống nhau ở họ là có nghị lực vượt lên chính bản thân mình, sống xứng đáng với phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ.